Chiều ngày 13/9, phiên thảo luận thứ 3 của Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”, có chủ đề vai trò HTX trong xây dựng nông thôn mới đã có những diễn biến rất đáng quan tâm, với các phần tham luận sôi nổi.
Những ấn tượng rõ nét
Mở đầu phiên thảo luận, đại diện cho Liên minh HTX Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết trong giai đoạn 2010-2020, Chương trình xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh đại diện Liên minh HTX Việt Nam mở đầu phiên thảo luận thứ 3, với chủ đề vai trò HTX trong xây dựng nông thôn mới. |
Đến nay, có 1.052/4.719 tổng số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 22,29%), chiếm 22,55% số xã đạt chuẩn nông thôn mới của cả nước. Đáng chú ý, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có tổ hợp tác, HTX hoạt động.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, qua các giai đoạn, nhất là từ khi thực hiện Luật HTX năm 2012, kinh tế tập thể, với nòng cốt là các HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ chế hoạt động được đổi mới.
Các HTX hoạt động hiệu quả ngày càng được nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm, giảm nghèo, đóng góp trực tiếp vào nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, 91 liên hiệp HTX, 120.811 tổ hợp tác, thu hút hơn 10 triệu thành viên và hơn 3 triệu lao động, tác động trực tiếp đến thu nhập và đời sống của hơn 30 triệu người, chủ yếu ở địa bàn nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chính những thành công ấn tượng đang giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX không chỉ thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng, mà còn gây ấn tượng với các tổ chức nước ngoài.
Đối thoại với Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh và các đại biểu tại phiên thảo luận, ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Cộng đồng Pháp ngữ cho biết, tổ chức này đang coi các HTX như cầu nối để tiếp cận và hỗ trợ người nông dân tại khu vực nông thôn.
Ông Chékou Oussouman khẳng định HTX là cầu nối của các tổ chức hỗ trợ với nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. |
Hiện tại, tổ chức đang hỗ trợ cho 3 HTX tại Việt Nam, trong đó có 1 đơn vị tại Đồng Tháp, 2 đơn vị tại tỉnh Lai Châu. 2 dự án tại Lai Châu đều tập trung vào các sản phẩm nông sản chủ lực của người dân tộc thiểu số, điển hình là cây sắn.
“Cả 3 mô hình HTX hiện đang trong giai đoạn giải ngân đầu tiên để trang bị các loại máy móc, cơ sở vật chất, hạ tầng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các HTX trong việc nâng cao khoa học – kỹ thuật, liên kết sản xuất và sản phẩm sạch. Đây cũng là 3 điểm yếu của nhiều HTX hiện nay”, ông Chékou Oussouman chia sẻ.
Khơi dậy tiềm năng của HTX
Đồng tình với những phát biểu trước đó của Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, Gs.Ts Trần Đức Viên, chuyên gia nông nghiệp, khẳng định vai trò của HTX, tổ hợp tác trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, để khơi dậy tiềm năng của khu vực kinh tế tập thể, HTX, theo Gs.Ts Trần Đức Viên, tất cả các ban, ngành còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là giải quyết 2 khó khăn, một là hình thức sản xuất, hai là bài toán thị trường.
Thứ hai là phải tạo được niềm tin của người dân. Chỉ khi có được niềm tin của người dân, HTX mới có thể phát triển và thay đổi tư duy sản xuất của họ.
Thứ ba là cần tiếp tục hoàn thiện luật. Phải làm sao luật phải gần gũi, đi vào đời sống của thành viên HTX và nông dân. Có 3 trụ cột cần quan tâm khi hoàn thiện luật là đất đai, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Gs.Ts Trần Đức Viên nhấn mạnh vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới. |
"HTX cần trở thành đại diện sức mạnh của nông dân, vì đây là tổ chức gần dân nhất. Hiện tại có một khái niệm là “nông thôn mới cấp thôn bản”, nghĩa là muốn phát triển nông thôn mới trước hết phải dựa vào các nhân tố trong lòng dân, điển hình như HTX, tổ hợp tác”, Gs.Ts Trần Đức Viên nhấn mạnh.
Rõ ràng, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã được khẳng định và sẽ ngày càng tăng.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết, giai đoạn 2021-2030, các chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới mục tiêu gia tăng thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp có tính chiến lược và nhu cầu khách quan là đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trước hết là bởi vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện về diện tích, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng,... để phát triển nông, lâm nghiệp và dịch vụ nhưng diện tích canh tác nông, lâm nghiệp và mặt nước phân bố không đồng đều.
Phần lớn hộ dân có diện tích canh tác nhỏ hơn 0,8ha, việc tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX sẽ có khả năng tập trung ruộng đất, đủ số lượng và chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, cạnh tranh trên thị trường.
“Tổ hợp tác, HTX kiểu mới được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, minh bạch, là cầu nối giúp hộ cá thể và người dân huy động các nguồn lực”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Nhật Minh