Ngay từ khi còn trẻ, người con gái tên Mlop đã quen thuộc với hình ảnh khung dệt, vải thổ cẩm vì thường ngày, Mlop đã bên khung cửi của mẹ giúp mẹ nhiều việc nên nằm lòng từng đường nét, sắc màu của nhiều loại hoa văn thổ cẩm. Ban đầu là làm chơi thôi, sau đó dệt để mặc khi lễ hội hoặc làng có việc rồi dần dần làm làm để bán. Cứ mỗi bộ váy áo phải dệt trong một tuần, bán được trên dưới 1 triệu đồng. Rồi khăn choàng, túi thổ cẩm được bán với giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng tùy món.
Tình yêu với nghề
Mỗi năm học và tập luyện thêm một chút, sự khéo léo, giỏi giang của bà được người dân khắp trong và ngoài vùng biết đến. Vì thế, sản phẩm dệt của bà luôn được mọi người yêu thích và đặt mua. Cứ tranh thủ lúc nhàn rỗi, bà lại ngồi vào khung cửi, tỉ mẩn với từng đường dệt, từng nét hoa văn cho từng chiếc áo, chiếc váy, chiếc khố, cái mền...
Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm từ nhỏ nên khi ngồi bên khung dệt là dường như bà được thoả sức sáng tạo, thử nghiệm những ý tưởng lên từng thớ vải bông. Để dệt nên một tấm thổ cẩm đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và vô cùng tỉ mẩn.
Trước đây, để có được những gam màu chủ đạo, người dân thường nhuộm vải theo cách truyền thống. Cần màu nào thì cứ ra rừng chọn các loại lá, hoa… để về chế biến nên. Vì thế màu trên các sản phẩm thổ cẩm dệt thành chủ yếu là màu tự nhiên.
Nghệ nhân Mlop đã góp phần giữ gìn và phát triển nghề dệt truyền thống |
Mỗi màu sắc kết hợp với nhau để dệt nên tấm thổ cẩm đều thể hiện sự tinh túy của đất trời. Màu đen cho đất, màu xanh cho trời, màu vàng biểu hiện cho sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, màu đỏ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người. Vì thế, phụ nữ phải mất nhiều tháng để trồng bông, trồng dâu, qua nhiều công đoạn mới sẽ được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống.
Tuy nhiên, với sự phát triển của đời sống, nghề dệt dần mai một, những người theo nghề cũng ít dần đi. Đứng trước điều đó, bà đã cùng chính quyền địa phương thành lập HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar, quy tụ những người có kinh nghiệm, cũng muốn phát triển nghề truyền thống ở địa phương.
Thành viên cảu HTX chủ yếu là chị em phụ nữ trong xã Glar và một số xã lân cận thuộc huyện Đăk Đoa. Khi HTX đi vào hoạt động đã tạo tư cách pháp nhân trong thương mại, thương hiệu, tọa điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề truyền thống.
Từ 40 thành viên tham gia với tổng mức vốn đóng góp 15 triệu đồng ban đầu, đến nay, HTX Glar đã thu hút được 300 thành viên với tổng mức vốn góp là 300triệu đồng.
HTX đã quy tụ diện tích trồng bông của các thành viên làm nguyên liệu phục vụ sản xuất. Việc đầu tư khung dệt cũng được chú trọng và hoàn thiện từng năm. Thay vì nhuộm màu công nghiệp, bà vẫn hướng dẫn người dân cách nhuộm màu truyền thống từ lá và vỏ cây rừng với nhiều công đoạn khác nhau. Tuy mất thời gian nhưng sản phẩm HTX làm ra bảo đảm được vẻ đẹp truyền thống của người Bana. Từ chỗ chỉ làm những sản phẩm cơ bản phục vụ cuộc sống, đến nay, sản phẩm của HTX đã đang dạng hơn. Mẫu mã cũng có tính thương mại hóa cao, được ưa thích trên thị trường.
Hiện, HTX do nghệ nhân Mlop dẫn dắt ngày càng trở nên nổi tiếng với các sản phẩm có mặt khắp các tỉnh Tây Nguyên. HTX cũng trở thành nơi để chị em phụ nữ người Bana trong vùng cải thiện thu nhập và bảo tồn ngành nghề truyền thống.
Nghệ nhân Mlop, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm xã Glar, cho biết: Chị em phụ nữ hiện nay rất thích dệt vải. Các cháu gái từ lớp 4, lớp 5 đã học dệt. Hiện, chị em đang tìm tòi và tạo ra mẫu mã, hoa văn để vừa giữ lại truyền thống, vừa bảo đảm nhu cầu của khách hàng.
Truyền nghề để giảm nghèo
Để truyền niềm đam mê dệt thổ cẩm đến với mọi người, nghệ nhân Mlop đã mở các lớp tập huấn để truyền dạy nghề dệt và nâng cao tay nghề cho các thành viên. Mỗi lớp học trong thời gian 3 tháng. Đến nay, hầu như các thành viên của HTX đã được đào tạo nghề và sản xuất ra sản phẩm cho thị trường.
Hiện các thành viên đang tích cực nâng cao tay nghề để tạo ra được những sản phẩm đa dạng hơn. Giám đốc Mlop cho biết: Mấy năm nay nghề dệt rất phát triển. Học sinh nghỉ hè cũng tham gia dệt. Chúng tôi cũng dạy cho thế hệ trẻ, mỗi lớp khoảng 30 em. Thu nhập hiện nay thì tính theo sản phẩm. Rảnh rỗi các chị em làm vì nghề chủ yếu của bà con vẫn là trồng cà phê, hồ tiêu… Mỗi người trung bình thu nhập khoảng trên 3,5 triệu đồng/tháng
Được làm việc, được truyền nghề là niềm yêu thích của nữ giám đốc HTX này. Nhờ sự sáng tạo, niềm đam mê của bà mà đồng bào dân tộc Bana đã tạo sản phẩm truyền thống đặc trưng, đồng thời, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập.
Nói về việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ của địa phương, nghệ nhân Mlop cho biết: Chính quyền đang cùng với HTX nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm cho thế hệ trẻ thông qua các hình thức: Tổ chức các lớp học, tập huấn, nghệ nhân kèm cặp các bạn trẻ...
Cũng theo nghệ nhân Mlop, phải mất cả chục năm mới có được một học trò giỏi nghề, say mê nghề. Đó cũng chính là hạt nhân trên hành trình tiếp lửa cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ba Na. Có lẽ, trong vô vàn những nỗ lực bảo tồn làng nghề truyền thống thì việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ “vững tay nghề, vững đam mê” là yếu tố quyết định đến sự sống còn. Vì chỉ có đam mê mới trở thành động lực khiến lớp trẻ dày công tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo ra những mẫu mã, hoa văn mới mẻ trên con đường đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhanh nhất thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.
Như Yến