Tình yêu với nhạc cụ truyền thống đã ngấm vào máu thịt của Rơ Chăm Tih (sinh năm 1973, tại làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) từ lúc còn rất nhỏ. Qua các mùa lễ hội ở buôn làng, qua năm tháng miệt mài dõi theo các cụ già trong làng vót những ống tre, ống nứa làm đàn, đến năm 12 tuổi, Rơ Chăm Tih đã tự chế tác được một số nhạc cụ đơn giản.
Phát triển nghề truyền thống
Và cho đến 12 năm sau, tên tuổi và tài năng âm nhạc dân tộc của Rơ Chăm Tih thực sự được nhiều người biết đến trước khả năng chế tác và sử dụng nhuần nhuyễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống.
Qua các buổi liên hoan, tổ chức văn nghệ trong và ngoài tỉnh, đến nay, ông đã có trong tay10 huy chương các loại và được phong là nghệ nhân ưu tú vì những đóng góp không nhỏ trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Tự hào về âm nhạc truyền thống của địa phương, nghệ nhân Rơ Chăm Tih đã thành lập HTX sản xuất hàng mỹ nghệ Tây Nguyên vào năm 2011 và do ông làm giám đốc HTX.
Lúc đầu, mỗi ngày xưởng sản xuất của HTX chỉ làm được hơn 20 đàn T'rưng, giá loại nhỏ khoảng 25.000 đồng/chiếc, loại lớn từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng/chiếc. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giúp ổn định mức thu nhập bình quân của mỗi công nhân từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng/tháng.
Bà con trong làng ai cũng mừng vì từ ngày có HTX, đời sống của dân làng được nâng lên. Chị K’Pã H’mir cho biết: “Trước kia cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào làm nương, làm rẫy, thu nhập bấp bênh. Từ khi hai vợ chồng vào làm tại HTX, con cái có cái ăn, cái mặc hơn, cuộc sống của gia đình đổi thay ít nhiều”.
Tiếng lành đồn xa, đơn đặt hàng tới tấp, nhưng HTX vẫn chú trọng chất lượng các sản phẩm lên hàng đầu. Vì theo Giám đốc Tih, các loại đàn được coi là “tiếng tơ đồng”, vật “tâm linh” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, vì vậy, khi làm không thể làm nhanh, làm ẩu mà phải làm bằng chính sự rung động của bàn tay và tâm hồn người nghệ sĩ.
Nghệ nhân Rơ Chăm Tih góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa của người Jarai |
Hiện nay, HTX đã tham gia các lễ hội, hội chợ, các buổi biểu diễn văn nghệ nhằm mở rộng thị trường, giúp không chỉ đồng bào dân tộc Tây Nguyên biết và yêu quý các loại nhạc cụ dân tộc mà còn giúp mọi người ở khắp mọi miền đất nước biết đến những giá trị văn hóa, âm nhạc đặc trưng của đồng bào Jarai. Song song đó, HTX liên kết cùng chính quyền để phát triển diện tích trồng tre, lồ ô, mây... nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Nâng cao đời sống
Để tạo việc làm, thu nhập cho thành viên và người dân, hiện HTX đã đứng ra đào tạo, truyền nghề cho mọi người. Với vai trò là linh hồn của HTX và những đóng góp trong âm nhạc và chế tạo nhạc cụ, giám đốc Rơ Chăm Tih đã trực tiếp đứng ra đào tạo nghề cho mọi người.
Trung bình mỗi năm, HTX tổ chức 2-3 lớp, mỗi lớp thu hút 30-45 học viên. Sau khi học nghề, người học có thể làm việc tại xưởng của HTX hoặc nhận nguyên liệu về nhà làm. Chính vì vậy, mô hình sản xuất của HTX mỗi năm tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn, từ đó giúp họ nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo.
Anh Ksor Thơm, Tp. Pleiku là 1 trong 2 người theo học thầy Rơ Chăm Tih đã thành nghề, hiện anh đang liên kết với HTX mở xưởng sản xuất, chia sẻ: “Mới đầu mình vì yêu thích nên muốn học cho biết thôi. Nhưng càng tìm hiểu càng mê. Thích học nhạc cụ nào, thầy chỉ cho nhạc cụ đó. Đến lúc thành nghề rồi, vì đam mê nên mình liên kết với thầy để mở xưởng làm nhạc cụ tại nhà. Sản phẩm tiêu thụ không ổn định do tuỳ vào lượng đơn đặt hàng của khách, nhưng làm đều đều vẫn có thu nhập” – Ksor Thơm chia sẻ.
Không chỉ dạy nghề tại HTX, nghệ nhân Rơ Chăm Tih còn được tỉnh mời đi đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho các địa phương. Nhiều tỉnh thành phố ở Đồng Nai, Hồ Chí Minh cũng mời nghệ nhân đến truyền nghề truyền thống.
Nghệ nhân Rơ Chăm Tih chia sẻ: “Ngày xưa, mình muốn học cách chơi và chế tác nhạc cụ thì phải tự tìm đến các nghệ nhân, tự quan sát, tìm tòi. Nhưng bây giờ, chỉ cần em nào yêu thích, đến với mình, mình sẵn sàng chỉ lại hết kinh nghiệm”
Có thể thấy, sự ra đời và phát triển của HTX sản xuất hàng mỹ nghệ Tây Nguyên nói chung, sự đóng góp của nghệ nhân-Giám đốc HTX Rơ Chăm Tih đã góp phần phục hồi và phát triển nghề truyền thống, đồng thời góp phần vào công cuộc giảm nghèo theo chương trình 135 của huyện Ia Grai.
Theo Giám đốc HTX Rơ Chăm Tih, để đạt được những kết quả như hôm nay, ngoài sự cố gắng của các thành viên HTX còn có sự đóng góp của chính quyền trong việc tạo điều kiện để HTX phát triển sản xuất, mở lớp đào tạo nghề. Sự phát triển của HTX đang đáp ứng nhu cầu phát triển các HTX nhằm khôi phục nghề truyền thống, tạo tiền đề giảm nghèo của huyện.
Như Yến