Theo thống kê, đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại huyện đã tăng vọt lên trên 62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,7%. Một trong những yếu tố cốt lõi làm nên sự thay đổi đó chính là sự nỗ lực đổi mới mô hình kinh tế tập thể.
Bước chuyển mình từ liên kết sản xuất
Thống kê cho thấy, huyện Châu Thành hiện có 18 HTX và 80 tổ hợp tác đang hoạt động, trong đó có tới 16 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Những HTX này không còn hoạt động mang tính hình thức như trước, mà đã trở thành hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất, từ cung ứng vật tư đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Sự xuất hiện và phát triển của các mô hình HTX kiểu mới, lấy thành viên làm trung tâm, tổ chức sản xuất gắn với thị trường, đã giúp người dân địa phương chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, giảm dần tình trạng lệ thuộc vào thương lái hay thị trường tự do bấp bênh.
Đặc biệt, các HTX tại Châu Thành đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn và bền vững. Các mô hình chăn nuôi heo, gà theo quy mô trang trại với tổng số 34 trang trại trên toàn huyện với sự tham gia của các HTX, THT đã góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện sinh kế cho hàng trăm hộ dân.
![]() |
Người dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành phát triển nghề truyền thống. |
Theo đánh giá của ngành chức năng, số lượng HTX, THT tuy không nhiều so với các địa phương lớn, nhưng điểm nổi bật là chất lượng hoạt động của các mô hình này trên địa bàn huyện Châu Thành ngày càng được cải thiện, mô hình tổ chức linh hoạt và thích ứng tốt với yêu cầu thực tiễn.
Nhiều HTX trên địa bàn huyện đã thu hút đông đảo thành viên là nông hộ, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, từng bước nâng cao vai trò liên kết sản xuất – tiêu thụ. Các HTX chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ số và các mô hình nông nghiệp sạch vào sản xuất, nhờ đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Chẳng hạn như các HTX và THT chăn nuôi gà, heo theo mô hình trang trại tập trung tại các xã Hồ Đắc Kiện, Phú Tâm, An Ninh, Thuận Hòa… góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa, chuyên nghiệp hơn. Các HTX nông nghiệp sản xuất rau màu, cây ăn trái, lúa sạch cũng đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Hay riêng lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, toàn tỉnh cũng có 4 HTX như HTX MCF, HTX Hương Liên, HTX Đất Phương Nam...
HTX Thủy Tuyết – mô hình giảm nghèo tiêu biểu
Trong số những HTX góp phần tạo nên "phép màu giảm nghèo" của huyện Châu Thành, không thể không nhắc đến HTX Mây tre đan Thủy Tuyết, tọa lạc tại xã Phú Tân. Dưới sự điều hành năng động của Giám đốc Trương Thị Bạch Thủy, mô hình đã vươn mình từ một tổ hợp tác nhỏ sản xuất đồ thủ công trở thành một thương hiệu có tiếng trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ giữ lại những nét truyền thống, HTX còn chú trọng đến cải tiến mẫu mã, kết hợp thiết kế hiện đại để phù hợp thị hiếu thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Giám đốc HTX Trương Thị Bạch Thủy, bà luôn tin rằng nghề truyền thống không bao giờ lỗi thời nếu được thổi hồn đổi mới. "Chính vì vậy, các thành viên luôn chú trọng kết hợp giữa kỹ thuật cổ truyền và thiết kế hiện đại, biến sản phẩm thủ công thành món đồ nội thất, quà tặng cao cấp, và hơn hết là một phương tiện để người dân quê tôi thoát nghèo, sống bằng chính đôi tay mình”, bà nói.
![]() |
HTX Thủy Tuyết còn dùng mây tre để thiết kế các công trình, tạo giá trị kinh tế và việc làm cao hơn. |
Chính sự linh hoạt và sáng tạo trong phát triển sản phẩm đã giúp HTX vươn xa hơn, từng bước tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, thậm chí có đơn hàng xuất khẩu. Đây là điểm khác biệt quan trọng giúp HTX Thủy Tuyết trụ vững và phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, đồng thời cũng là lý do khiến HTX nhiều lần được tôn vinh ở các giải thưởng cấp quốc gia.
Hiện, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết sở hữu gần 700 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tre, một vật liệu truyền thống gắn bó với đời sống cư dân nông thôn. Hoạt động của HTX mở ra cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, trong đó có rất nhiều phụ nữ, người lớn tuổi và hộ cận nghèo, hộ nghèo.
Hình thức làm việc của HTX cũng rất linh hoạt. Người lao động có thể đến HTX làm việc theo giờ hành chính, hoặc nhận nguyên vật liệu về gia công tại nhà. Cách làm này rất phù hợp với hoàn cảnh của phụ nữ nông thôn, người già hoặc người khuyết tật.
Đến nay, thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại HTX dao động từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề và khối lượng sản phẩm. Với mức thu nhập này, nhiều hộ gia đình từng thuộc diện nghèo, cận nghèo nay đã thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, có điều kiện lo cho con cái học hành và chăm lo sức khỏe tốt hơn.
Ngoài ra, HTX còn đóng vai trò đào tạo nghề truyền thống, truyền lửa cho thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Các lớp hướng dẫn kỹ thuật đan lát, thiết kế sản phẩm và vận hành mô hình HTX được bà Thủy tổ chức thường xuyên, với sự hỗ trợ từ Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức liên quan.
Bản thân giám đốc HTX cũng đã nhiều lần được vinh danh ở cấp quốc gia: giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia năm 2023. Ngoài ra, giải thưởng Mai An Tiêm do Liên minh HTX Việt Nam trao tặng năm 2024 dành cho những sản phẩm tiêu biểu, có giá trị văn hóa và kinh tế cao cũng có sự đóng góp của những tác phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX. Việc được Liên minh HTX Việt Nam trao giải thưởng Mai An Tiêm năm 2024 là dấu ấn quan trọng, khẳng định sự phát triển đúng hướng và bền vững của mô hình này.
Không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa, HTX Thủy Tuyết còn là cầu nối giữa sản phẩm truyền thống và thị trường hiện đại. HTX đã chủ động kết nối với các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại, chương trình OCOP và các sàn thương mại điện tử để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Theo đánh giá của ngành chức năng, HTX Thủy Tuyết không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, tự lực và có ý thức gìn giữ môi trường, phát triển nông thôn theo hướng xanh – sạch – bền vững.
Đây cũng là minh chứng sống động cho sự thành công của mô hình HTX trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Với chiến lược đúng đắn, sự hỗ trợ kịp thời từ Liên minh HTX tỉnh và đặc biệt là tầm nhìn của người đứng đầu đã giúp HTX đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc nâng cao đời sống người dân ở Châu Thành.
Đồng hành cùng mô hình kinh tế tập thể
Qua mô hình của HTX Thủy Tuyết có thể khẳng định, mô hình HTX đang có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế nông thôn. Và để có được những kết quả này không thể không kể đến vai trò quan trọng của Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng trong hành trình phát triển của các HTX tại Châu Thành.
Từ việc đào tạo cán bộ HTX, hỗ trợ lập kế hoạch sản xuất, hướng dẫn quản trị tài chính – marketing, đến việc kết nối các HTX với doanh nghiệp tiêu thụ, tham gia hội chợ, tìm đầu ra cho sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy của hàng trăm HTX trong tỉnh, trong đó có các HTX ở huyện Châu Thành.
Đặc biệt, việc hỗ trợ tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình OCOP, và xây dựng thương hiệu sản phẩm đã giúp các HTX tại Châu Thành nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước đứng vững trên thị trường. Nhờ đó, nhiều HTX không chỉ duy trì được hoạt động mà còn phát triển mở rộng, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập ổn định cho hàng ngàn người dân.
Đại diện chính quyền huyện Châu Thành đánh giá: “Kinh tế tập thể, đặc biệt là mô hình HTX, đang trở thành trụ cột trong chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Từ chỗ người dân còn e dè khi tham gia, nay đã chủ động thành lập, mở rộng HTX. Đây là tín hiệu rất đáng mừng”.
Thành công của các HTX không chỉ nằm ở việc tạo công ăn việc làm, mà còn ở việc khơi dậy được giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, và thúc đẩy tư duy kinh tế sáng tạo trong nông dân. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số, lao động trẻ di cư lên thành phố.
Trong tương lai, huyện Châu Thành đang hướng đến việc phát triển các HTX theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm chủ lực địa phương, đi kèm với ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quản lý và xúc tiến thương mại. Việc mở rộng hợp tác của HTX với doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức quốc tế cũng được chú trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Cánh Sóng