HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình tiền thân là Tổ hợp tác (THT) chuyên sản xuất giống cây ba kích tím. Sau thời gian hoạt động, THT đã phát triển lên thành HTX với mong muốn thuận tiện cho sản xuất, phát triển thị trường cũng như mở rộng nguồn vốn.
Phát triển sản xuất
Nhận thấy, Tây Giang là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển cây dược liệu nhưng trước đây người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo tập quán nên hiệu quả không cao. Để bảo đảm việc lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý một số cây dược liệu và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, HTX đã phối kết hợp với chính quyền huyện Tây Giang triển khai trồng kết hợp với sản xuất giống cây dược liệu, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm nguồn giống cho người dân phát triển sản xuất, HTX đã đầu tư vườn ươm giống ba kích rộng 1.500m2, có thể ươm tạo 400.000 cây giống ba kích tím mỗi năm. Ngoài sản xuất giống bằng giâm hom truyền thống tại vườn ươm rộng 1.000m2. HTX còn chủ động phối hợp tạo giống ba kích nuôi cấy mô cho sản lượng cây giống lớn.
HTX Thiên Bình đang hỗ trợ người dân Tây Giang phát triển diện tích ba kích tím theo hướng bền vững để giảm nghèo |
Nhận thấy tiềm năng của HTX, năm 2018, Liên minh HTX tỉnh, dự án BCC đã hỗ trợ HTX một phần kinh phí. Cùng với nguồn vốn đóng góp của các thành viên, HTX đã đầu tư nhà làm việc, khu vực sơ chế, quầy trưng bày sản phẩm tại xã Lăng (760 triệu đồng).
Chất lượng giống là rất quan trọng, chính vì vậy, HTX đưa vào thu hoạch đại trà hom giống để phát triển nguồn giống bản địa. Với chủ trương mở rộng diện tích cây dược liệu của huyện Tây Giang, song song với việc ươm giống, HTX mở rộng thêm 6ha trồng cây ba kích theo hướng liên kết cùng người dân.
Không chỉ chủ động nguồn giống, khu vực trồng và ươm cây dược liệu của HTX được HTX tìm hiểu kỹ lưỡng và là Khu bảo tồn nhân giống thuộc lâm phận của Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Sông Bung. Đây là khu vực thuận lợi, được sự cho phép của huyện nên HTX chủ động mở rộng, phát triển diện tích về sau.
Giúp người dân giảm nghèo
Không chỉ đứng ra thu mua ba kích với giá hợp lý, HTX còn tạo dựng trang thông tin điện tử với địa chỉ: htxthienbinh.vn để tiếp cận với khách hàng tiềm năng. HIện HTX đang tiến hành bán hàng trực tiếp và bán hàng qua mạng online. Sản phẩm vừa ở dạng tươi vừa ở dạng khô, được đóng gói, dán tem có logo rõ ràng.
Với vai trò làm bà đỡ cho người dân phát triển sản xuất, thành viên chủ yếu của HTX là người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Không chỉ các thành viên mà các hộ liên kết trồng dược liệu cho HTX đều được hỗ trợ sản xuất, bảo đảm quyền lợi chính đáng. Ai vào HTX, khó khăn về vốn đều được HTX hỗ trợ theo phương pháp trả dần.
Theo ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX, đến nay, các thành viên và hộ liên kết HTX đã dần thay đổi nhận thức, tuân thủ các quy trình kỹ thuật canh tác, xây dựng nhật ký vườn trồng ba kích, làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng tới sản xuất bền vững.
HTX cũng đầu tư hệ thống tưới tự động cho cây ba kích từ việc dẫn nước đầu nguồn, phục vụ trồng thâm canh cây ba kích cho năng suất, sản lượng cao hơn cách thức canh tác truyền thống. HTX đầu tư mua sắm 4 loại máy móc phục vụ sơ chế, rửa nông sản; máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm; máy sấy nông sản (chè dây, măng rừng, thịt heo) nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Không chỉ đứng ra thu mua nông sản với giá hợp lý, HTX còn tạo dựng trang thông tin điện tử với địa chỉ: htxthienbinh.vn để tiếp cận với khách hàng tiềm năng. HIện HTX đang tiến hành bán hàng trực tiếp và bán hàng qua mạng online. Sản phẩm vừa ở dạng tươi vừa ở dạng khô, được đóng gói, dán tem có logo rõ ràng.
Ông Hiển chia sẻ, là HTX đầu tiên của huyện Tây Giang hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, Thiên Bình xác định, trước hết, HTX phải là “điểm tựa” để các thành viên có cuộc sống ổn định, thay đổi tư duy xây dựng và phát triển sản phẩm cây dược liệu hàng hóa để giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, HTX đang đầu tư máy móc nhằm sản xuất cao ba kích và tham gia chương trình mỗi xã phường một sản phẩm. Dự kiến sẽ, sản phẩm được đưa tới tay người tiêu dùng từ năm 2020.
Việc chọn hướng đi sản xuất, chế biến dược liệu (hướng đến chế biến sâu) phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ là hướng đi bền vững bền vững của Thiên Bình. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của HTX Thiên Bình có vai trò không nhỏ trong chủ trương phát triển cây dược liệu nhằm xóa đói, giảm nghèo ở huyện Tây Giang. Nhờ HTX, nhiều người đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, không ít hộ đã trở thành tỷ phú từ việc tham gia HTX trồng và chế biến dược liệu.
Như Yến