Đến nay, trên địa bàn huyện Sìn Hồ có gần 20 HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, nhưng chủ yếu vẫn là HTX nông nghiệp… Làm ăn hiệu quả, một số HTX tạo được công việc thường xuyên cho hơn 20 lao động/HTX, với thu nhập bình quân từ 6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Điểm sáng ở xã vùng cao
Tiêu biểu có thể kể đến HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ (xã Sà Dề Phìn) với ngành nghề chính là trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái làm nền tảng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.
HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. |
Theo đó, để phát triển bền vững, sản xuất sạch, thân thiện môi trường là một trong những vấn đề được HTX đặc biệt quan tâm. Trong quá trình canh tác, thành viên, hộ liên kết của HTX tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, còn phân bón được sử dụng theo quy trình VietGAP, hữu cơ nghiêm ngặt.
Nguồn nước để phục vụ sản xuất cũng được HTX tuyển chọn kỹ lưỡng, dẫn từ giếng khoan hoặc khe suối, đạt độ trong cao, không lẫn tạp chất gây hại. Các loại chất thải cũng được HTX thu gom, xử lý đúng theo quy định.
Bên cạnh đó, vùng trồng dược liệu của HTX đảm bảo xa khu chăn nuôi để tránh nguồn gây ô nhiễm. HTX cũng quây lưới hoặc làm hàng rào xanh để tránh hóa chất từ các vùng sản xuất nông nghiệp lân cận. Qua đó, tạo ra những sản phẩm xanh, sạch và chất lượng vượt trội.
Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có bước phát triển ổn định. Hiện, các thành viên của HTX đều có nguồn thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể nhiều lao động làm công nhật với các công việc khác nhau như vận chuyển, thu hái, chăm sóc… cũng có nguồn thu nhập khá cao.
Hoạt động hiệu quả của HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã vùng cao khó khăn Sà Dề Phìn, phấn đấu về đích vào cuối năm 2022 này.
Để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo UBND xã Sà Dề Phìn, xã sẽ tập trung nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, chè, cây ăn quả ôn đới và chăn nuôi gia súc. Theo đó, các mô hình kinh tế hợp tác được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng nhằm liên kết người dân tạo nên sức mạnh trong sản xuất theo hướng hàng hóa, đúng quy hoạch, kế hoạch và đảm bảo tiêu chuẩn.
Mắt xích chắc trong chuỗi liên kết
Trên địa bàn huyện Sìn Hồ có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%. Với đặc thù và khó khăn của huyện vùng cao biên giới, theo lãnh đạo huyện Sìn Hồ, việc huy động sức người, sức của xây dựng nông thôn mới không thể “một sớm, một chiều”.
HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết nông sản (Ảnh: Int) |
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Sìn Hồ đã được cải thiện đáng kể. Đến đầu năm 2022, toàn huyện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Nậm Tăm, Nậm Mạ, Chăn Nưa, Lùng Thàng; số tiêu chí bình quân/xã đạt 14,7 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm (tăng gần 15 triệu đồng so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4 - 5%/năm...
Lãnh đạo huyện khẳng định, thời gian tới, Sìn Hồ sẽ tiếp tục đổi mới cách làm, thay đổi thói quen tư duy làm kinh tế của người dân. Từ đó, góp phần giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, qua đó góp phần xây dựng huyện vùng cao Sìn Hồ ngày càng khởi sắc.
Đặc biệt, huyện Sìn Hồ sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng đất đai, lợi thế khí hậu để tập trung phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả ôn đới. Hiện, toàn huyện có trên 1.320ha diện tích cây ăn quả, chủ yếu là lê, mận hậu, đào Pháp, sơn tra, cam V3 và dứa... Các cây trồng được chăm sóc tốt, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp nên nhiều loại cây đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung, cây ăn quả nói riêng là xu hướng tất yếu, giúp Sìn Hồ chuyển đổi dần từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất đóng vai trò là mắt xích quan trọng để đảm bảo mối liên kết vận hành hiệu quả, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh. Trên địa bàn huyện hiện có 2 doanh nghiệp, 8 HTX trồng nông sản, dược liệu và cây ăn quả, trong đó có hơn 1.200 hộ dân trồng cây ăn quả theo quy mô hộ gia đình có liên kết sản xuất tiêu thụ với các HTX.
Ngoài ra, các HTX cũng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, thông qua các hình thức cơ bản như: liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín.
Đại diện Phòng NN&PTNT cho biết, để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chính quyền huyện đã thành lập các vùng sản xuất chuyên canh nông sản thí điểm. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương có vùng sản xuất lớn hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho việc liên kết mở rộng vùng sản xuất. Đồng thời, việc phối hợp với từng địa phương thực hiện công tác quy hoạch, phát triển thêm khu vực tiềm năng...
Tập trung nguồn lực, phát huy thế mạnh, huyện Sìn Hồ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, lấy sản phẩm nông nghiệp làm chủ lực nâng cao đời sống người dân, làm nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô trang trại, để người lao động có việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập.
Trên cơ sở đó, huyện chủ trương mở rộng diện tích cây ăn quả ngắn ngày trên địa bàn các xã vùng thấp, trồng cây cam và dứa là chủ lực, khuyến khích thành lập các HTX sản suất, kinh doanh, xây dựng vùng sản xuất tập trung, liên kết để hạn chế rủi ro, thúc đẩy phát triển bền vững
Đức Nguyễn