Là một huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nên mô hình du lịch cộng đồng (homestay) ở huyện Lâm Bình hiện cũng khá đa dạng từ du lịch cộng đồng khám phá bản sắc văn hóa địa phương, du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên hùng vĩ, du lịch văn hóa - lịch sử… Có những mô hình du lịch chuyên biệt về một loại hình hoặc có thể kết hợp giữa các loại hình du lịch khác nhau để tạo ra sự độc đáo.
Vai trò của HTX
Trong đó, du lịch cộng đồng khám phá bản sắc văn hóa địa phương đang phát triển mạnh mẽ tại Lâm Bình và nổi bật hơn cả, tập trung ở các thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như thôn Nà Tông, Nà Đông (xã Thượng Lâm), thôn Nặm Đíp (thị trấn Lăng Can), thôn Bản Bon (xã Phúc Yên),... Du khách sẽ lưu trú tại nhà sàn truyền thống của người dân (Tày, Dao, Pà Thẻn,...), cùng sinh hoạt, trải nghiệm các hoạt động thường ngày như nấu ăn, làm nông, tham gia các lễ hội, nghe hát Then, Sình ca,... Mô hình này tạo thu nhập trực tiếp cho người dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Tiêu biểu như mô hình của HTX Du lịch Cộng đồng Khuổi Nhi - Nà Tông, Homestay Tài Ngào (Thượng Lâm) do HTX thanh niên xã Thượng Lâm đầu tư, tổ chức, quản lý. Mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và các điểm du lịch homestay 99 ngọn núi của Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm. Ngoài ra còn có các homestay tại Làng văn hóa du lịch thôn Nà Tông,..
Những mô hình này đã đưa xã Thượng Lâm thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Lâm Bình. Xã hiện có số hộ làm du lịch cộng đồng homestay lớn nhất huyện, thu nhập bình quân đạt trên 51,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều của xã chỉ còn dưới 8%.
![]() |
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại thôn Nà Tông (Thượng Lâm). |
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở huyện Lâm Bình có vai trò không nhỏ của các HTX. Trong đó, những mô hình này tập hợp các hộ gia đình làm du lịch, cùng nhau xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp và đồng bộ.
HTX cũng là nơi tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng đón tiếp khách, quản lý homestay, nghiệp vụ hướng dẫn,... cho người dân, thành viên là đồng bào DTTS. Nhiều HTX, tổ hợp tác còn tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch, xây dựng website, quảng bá trên mạng xã hội để thu hút du khách. Ngay như điểm du lịch homestay 99 ngọn núi của Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm đã được đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội, website và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Ngoài ra, với những kế hoạch rõ ràng và việc chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên, các HTX, tổ hợp tác đang đẩy mạnh hướng dẫn các thành viên khai thác du lịch một cách có trách nhiệm, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần đưa du lịch của huyện phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.
Hái trái ngọt từ du lịch
Theo tính toán của ngành chức năng, doanh thu xã hội từ du lịch của huyện năm 2024 đạt 228,8 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2023. Qua đó đã thể hiện được sự chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như “sức hút” của du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng ở Lâm Bình đối với du khách.
Phát triển du lịch cộng đồng cũng giúp giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện tăng 6,8%, đạt 445,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2024 giảm 6.76%, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 830 hộ.
Với nỗ lực nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển du lịch, công tác giảm nghèo của huyện Lâm Bình dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ giảm mạnh từ 40,93% xuống còn 33,3 %, vượt 10,4% so với kế hoạch năm 2024.
![]() |
Người dân, thành viên HTX được hỗ trợ đào tạo làm du lịch. |
Trong khi trước đó vào năm 2011, Lâm Bình mới được thành lập. Đây là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh Tuyên Quang với 40,93% (thời điểm cuối năm 2023). Huyện Lâm Bình được Chính phủ phê duyệt là một trong số 74 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022.
Tuy nhiên, bằng sự hỗ trợ tích cực trọng hỗ trợ nhân dân, HTX, tổ hợp tác phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch, bộ mặt của huyện Lâm Bình đã có sự biến chuyển tích cực. Người dân đang từng bước được nâng cao thu nhập, nhiều hỗ đã giảm được nghèo.
Chị Chẩu Hồng Nhung, Đội trưởng Đội văn nghệ thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, trước đây, mỗi lần đi biểu diễn, chị và các chị em trong đội phải tự lo trang phục, đạo cụ, thậm chí có lần còn phải đi mượn. Nhưng từ khi đội được hỗ trợ 70 triệu đồng, họ đã có đầy đủ quần áo, nhạc cụ, thậm chí đầu tư hệ thống âm thanh để phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp hơn.
Hay tại thông Nà Tông (xã Thượng Lâm) xã thành lập các nhóm sở thích như: trồng trọt, chăn nuôi, làm các hàng thủ công, thổ cẩm…, liên kết phục vụ các hộ làm homestay, chia sẻ lợi ích. Hiện, xã thành lập 6 nhóm cùng sở thích, tạo điều kiện cho các hộ này tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư làm du lịch.
Ngoài thu nhập riêng của những hộ gia đình chuyên làm homestay với mức khoảng 50-60 triệu đồng/tháng, nhiều gia đình làm ở các nhóm văn nghệ, thủ công, thổ cầm còn có thêm thu nhập từ cung cấp dịch vụ cho các homestay. Khi khách đến trải nghiệm và có tổ chức văn nghệ, tổ đội này có nguồn thu 1-2 triệu đồng/đêm. Như vậy, du lịch đã giúp những hộ liên kết có thêm nguồn thu từ 2-5 triệu đồng/người/tháng, giúp nâng cao đời sống.
Định hướng phát triển
Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển thành các tổ, đội liên kết làm du lịch, văn nghệ, huyện còn đẩy mạnh phối kết hợp để hỗ trợ người dân tham gia HTX, tổ hợp tác để làm du lịch hoặc thành lập các HTX làm du lịch một cách bài bản.
Chẳng hạn như Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bắc bộ (Liên minh HTX Việt Nam) đã phối hợp với địa phương, Liên minh HTX tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Lâm Bình về nghề làm du lịch cộng đồng, chuyển đổi số…
Nhờ đó mà một số HTX, tổ hợp tác ở trên địa bàn hiện làm du lịch rất chuyên nghiệp, bài bản, hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. Tiêu biểu như HTX thổ cẩm Lâm Bình, HTX phát triển cá nước lạnh và dịch vụ du lịch Ái Au RETREAT (xã Thượng Lâm) đều vừa làm kinh tế vừa kết hợp làm du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Hay 80% lượng khách đến với Nà Tông nói riêng, huyện Lâm Bình nói chung đã thông qua môi trường mạng. Các hộ làm homestay, HTX làm du lịch cũng đã dùng mạng xã hội để quảng bá, giao dịch với khách hàng.
Trong tương lai, du lịch Lâm Bình sẽ tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, tập trung vào khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch cộng đồng và sinh thái, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân, HTX đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trí Chiến