Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ những năm qua có những thành công tích cực. Các loại cây được lựa chọn đưa vào trồng thí điểm rất đa dạng, chủ yếu là cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế cao.
Không ngại đổi mới
Như tại thôn Na Lình, anh Sân Sài Cáo là một trong những hộ tiên phong đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Cách đây gần 5 năm, với hơn 1.000m2 đất ruộng, gia đình anh quyết định chuyển sang trồng cây ớt ngọt.
Sau nhiều năm gắn bó với cây trồng mới, anh Cáo cho hay cây ớt ngọt là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Từ khi xuống giống khoảng 3 tháng, cây sẽ bắt đầu cho quả và cho thu hoạch kéo dài 5 - 6 tháng, chăm sóc tốt có thể lên đến 1 năm.
![]() |
Mạnh dạn chuyển đổi sang những cây trồng mới đang giúp nông dân nhiều địa phương ở Hà Giang thoát nghèo (Ảnh: BHG). |
Trước khi quyết định chuyển sang trồng ớt, anh Cáo và nhiều hộ sản xuất tại địa phương rất lo lắng vì chưa nắm được kỹ thuật, nhưng được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, nên các vườn ớt phát triển tốt, ngày càng cho năng suất cao.
“Nhờ chất lượng vượt trội, giá ớt của nhà tôi thường có đạt bình quân 10 – 20 nghìn đồng/kg, nhờ vậy mỗi vụ thu về 40 triệu đồng, kinh tế gia đình từ đó cũng được nâng lên", anh Cáo hồ hởi nói.
Anh Cáo chỉ là một trong nhiều hộ sản xuất trên địa bàn xã Nghĩa Thuận nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung đang có được thành công tích cực từ việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương, vai trò của HTX, tổ hợp tác ngày càng được khẳng định.
HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Tổng hợp Ngọc Sơn hoạt động trên địa bàn thôn Nà Lá, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, là một mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chế biến sâu.
Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến các sản phẩm từ cây nghệ, HTX không chỉ nâng cao giá trị nông sản địa phương mà còn đóng góp đáng kể vào việc tạo việc làm, cải thiện thu nhập và giảm nghèo cho thành viên, nông dân liên kết.
Tăng cường liên kết
HTX Ngọc Sơn được thành lập vào năm 2016, với định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm từ nghệ nhằm khai thác tiềm năng của loại cây dược liệu quý này. Trên diện tích trồng nghệ rộng hàng chục héc ta, HTX áp dụng mô hình canh tác bền vững, sử dụng phân bón hữu cơ và kỹ thuật chăm sóc tiên tiến để đảm bảo năng suất và chất lượng cao.
HTX đầu tư hệ thống chế biến hiện đại, đảm bảo quy trình sản xuất khép kín từ thu hoạch, sơ chế đến chế biến sản phẩm. Những sản phẩm chủ lực của HTX bao gồm tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đen, viên tinh bột nghệ mật ong, bột nghệ khô và các sản phẩm kết hợp với tam thất. Đặc biệt, HTX đã đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
Với sự mở rộng sản xuất và chế biến, HTX Ngọc Sơn đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trung bình mỗi lao động tại HTX có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, cao hơn khá nhiều so với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Bên cạnh lao động trực tiếp tại xưởng chế biến, HTX còn hợp tác với nhiều hộ dân trong vùng để thu mua nguyên liệu, tạo cơ hội phát triển kinh tế cho các hộ nông dân trồng nghệ. Nhờ đó, hàng trăm hộ gia đình đã có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực.
![]() |
Các HTX ngày càng thể hiện vai trò điểm tựa giúp nông dân các địa phương tỉnh Hà Giang phát triển sản xuất (Ảnh: BHG). |
Thời gian qua, HTX Ngọc Sơn cũng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, giúp sản phẩm nghệ Hà Giang vươn xa hơn. Việc xuất khẩu nghệ sang Nhật Bản đã mở ra cơ hội phát triển lớn, nâng cao giá trị nông sản và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên HTX cũng như người dân địa phương.
Không chỉ là trường hợp đơn lẻ, Hà Giang đang đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển các HTX, tổ hợp tác nhằm giảm nghèo và tạo việc làm cho người dân. Sự ra đời và phát triển của các HTX đã tạo điều kiện cho người dân liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thay đổi tư duy sản xuất
Tính hết năm 2024, toàn tỉnh Hà Giang có hơn 620 HTX hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động. Để có được kết quả này, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã tập trung hỗ trợ các HTX về cơ chế, chính sách, tiếp cận nguồn vốn và nâng cao năng lực quản trị. Công tác tư vấn, đào tạo được triển khai rộng rãi, giúp nâng cao kỹ năng và nhận thức cho cán bộ quản lý HTX cũng như các thành viên.
Điển hình, vào tháng 10/2024, Liên minh HTX tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 2024–2030. Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, hướng dẫn thành lập và phát triển các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, nhằm tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hội viên.
Cũng trong năm 2024, các chương trình của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ 32 HTX tham gia 8 hội chợ xúc tiến thương mại trên cả nước, giúp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh; 12 HTX được tổ chức và hỗ trợ tham quan, học tập kinh nghiệm, đồng thời xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc; 4 HTX đã được hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm địa phương..
Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, các HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã không ngừng đổi mới sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo thống kê, trong năm 2024, hơn 85% HTX trong tỉnh đã có sự tăng trưởng doanh thu so với năm 2023, với tổng doanh thu HTX trên toàn tỉnh đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, Đề án chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 được triển khai hơn một năm qua đang tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân ở Hà Giang và tạo ra hiệu quả đa chiều.
Với thành công hiện tại, tỉnh Hà Giang phấn đấu tổng diện tích chuyển đổi năm 2025 đạt 519 ha. Quyết tâm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển nông sản để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh…
An Chi