Theo đó, tiêu chí số 10 là thu nhập bình quân đầu người, tiêu chí số 11 là giảm nghèo, tiêu chí số 13 là hình thức tổ chức sản xuất.
Điểm sáng xây dựng nông thôn mới
Thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, năm 2010, huyện Đăk Hà bắt đầu tiến hành triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, ban đầu huyện gặp không ít khó khăn, thách thức, với điểm xuất phát thấp, kinh tế trọng tâm là sản xuất nông nghiệp; hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và chưa đồng bộ. Toàn huyện lúc đó có 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí, 3 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 2 xã đạt từ 10 -14 tiêu chí.
Diện tích cà phê của huyện Đăk Hà chiếm khoảng 50% diện tích cà phê của toàn tỉnh Kon Tum (Ảnh: Int) |
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, hướng dẫn sát sao của các sở, ngành và sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, công tác xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng.
“Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau” và chọn những tiêu chí cơ bản làm “đòn bẩy” để tạo đà thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chú trọng phát huy nội lực, chủ động tham gia của người dân đã giúp huyện Đăk Hà đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, với các xã trên địa bàn đã đạt chuẩn NTM, huyện tiếp tục chỉ đạo nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn mới 2021- 2025; từng bước thực hiện và hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao. Với những địa phương chưa đạt chuẩn NTM, huyện chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, ‘về đích đúng hẹn’”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà chia sẻ.
Đến nay, huyện Đăk Hà có 5/10 xã đạt chuẩn NTM là Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk Hring, Đăk La, Đăk Ngọk. Trong đó, xã Hà Mòn và xã Đăk Mar đạt chuẩn xã NTM nâng cao; thôn Thống Nhất (xã Hà Mòn) và thôn 5 (xã Đăk Mar) đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Huyện dự kiến cuối năm 2022, thôn 2 (xã Đăk La) và thôn Đăk Ting (xã Đăk Ngok) đạt thôn NTM kiểu mẫu; đồng thời yêu cầu 2 xã Hà Mòn và Đăk Mar mỗi xã xây dựng thêm 1 thôn NTM kiểu mẫu để tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Để nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phấn đấu là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025, huyện Đăk Hà xác định phải giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán, thói quen sản xuất lạc hậu; hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế mới, có hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; đầu tư thâm canh, mở rộng các diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, năng suất hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung… Trong đó, các HTX và tổ hợp tác được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc liên kết các hộ dân, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Liên kết tạo sức mạnh ở “thủ phủ” cà phê
Huyện Đăk Hà được coi là “thủ phủ” cà phê của tỉnh Kon Tum, với địa hình bằng phẳng, đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây cà phê. Diện tích cà phê của huyện chiếm khoảng 50% diện tích cà phê của toàn tỉnh.
Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ phát triển cà phê, nhiều HTX ở huyện Đăk Hà đã liên kết nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, xây dựng thương hiệu và đưa ra thị trường.
Các HTX và tổ hợp tác cà phê đóng góp tích cực thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Điển hình như HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (xã Hà Mòn). HTX được thành lập vào năm 2012 với 7 thành viên, hiện có 32 thành viên chính thức và 81 hộ thành viên liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất cà phê của HTX là 300 ha, sản lượng trung bình đạt từ 3,5 - 4,5 tấn/ha/năm. HTX chịu trách nhiệm quy hoạch diện tích, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn sạch mà các tổ chức hiệp hội cà phê ban hành. HTX đã cung ứng dịch vụ đầu vào như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua bao tiêu 100% sản lượng cho thành viên với giá cao hơn giá thị trường khoảng 15% tùy mùa vụ.
Đến nay, trong số 300 ha do HTX quản lý sản xuất có 51 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và HACCP.
HTX Sáu Nhung còn đầu tư nhà xưởng sơ chế, máy móc thiết bị hiện đại chế biến cà phê nhân xô thành các sản phẩm như cà phê bột nguyên chất, cà phê hòa tan, tinh cà phê…
Hiện nay, các thành viên khi tham gia HTX Sáu Nhung đã khắc phục tình trạng sản xuất cà phê manh mún, nhỏ lẻ và tập trung nguồn lực, đặc biệt là đất đai để sản xuất lớn. HTX Sáu Nhung cũng đã đại diện cho hộ nông dân thực hiện liên kết với doanh nghiệp, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tham gia HTX, được tham gia lớp tập huấn sản xuất và tái canh bền vững của Dự án VnSAT, các thành viên trong HTX biết cách chăm sóc vườn cà phê để giữ năng suất ổn định, duy trì đều qua các năm, đồng thời tiết kiệm chi phí, mang lại thu nhập cao, khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Việc sản xuất tiết kiệm nước, sử dụng phân bón đúng cũng góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu của địa phương.
Những thành công của HTX Sáu Nhung đã đóng góp tích cực trong công tác xây dựng NTM, giảm nghèo của huyện Đăk Hà nói chung, xã Hà Mòn nói riêng. Đại diện xã Hà Mòn cho biết, trong năm 2022, xã tiếp tục triển khai các giải pháp để xây dựng xã NTM kiểu mẫu và chọn lĩnh vực sản xuất để xây dựng tiêu chí NTM kiểu mẫu nổi trội. Hiện, xã đang thực hiện rà soát các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 để củng cố và hoàn thiện những tiêu chí bị “hụt” so với giai đoạn cũ, tạo tiền đề để tiếp tục nâng cao các tiêu chí và đạt mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu vào thời gian tới.
Lan Phương