Cây cam giấy hay còn gọi cam da trơn là loài cây bản địa của xã Tiên Hà. Quả cam giấy to vừa, tròn trịa, da màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu vàng nhạt. Cam giấy thường cho thu hoạch vào cuối mùa hè và đầu mùa thu. Khi chín, cam có vỏ mỏng, nước nhiều ngọt nhẹ, hương vị đặc trưng.
Mở rộng vùng chuyên canh
Với diện tích khoảng 15ha và 8.000 gốc, có thể ví thôn Tiên Tráng là xứ sở của cây cam giấy. Do phù hợp thổ nhưỡng, cây cam giấy sinh trưởng và phát triển tốt, có năng suất cao nhất trên đất Tiên Tráng. Tuy nhiên, cam giấy trước đây chủ yếu được trồng theo quy mô hộ gia đình và chưa được đầu tư phát triển. Thêm vào đó, do sự lấn át của cây keo và sức tiêu thụ kém, diện tích cây cam giấy dần bị thu hẹp.
Trồng cam giấy đem lại hiệu quả cao ở xã Tiên Hà (Ảnh: TL) |
Từ khi được cấp kinh phí 50 triệu đồng nguồn ngân sách, xã Tiên Hà bắt đầu nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen, nhân giống và trồng thí điểm 20 vườn cam giấy ở tổ 9, thôn Tiên Tráng. Năm 2017, với số tiền hỗ trợ 160 triệu đồng, xã Tiên Hà quyết định nhân rộng mô hình ra toàn thôn với 75 hộ tham gia.
Giai đoạn 2018 - 2019, từ sự hỗ trợ của UBND xã Tiên Hà và huyện Tiên Phước, HTX Nông nghiệp Phước Hà đã xây dựng vườn cây cam giấy đầu dòng với số lượng 11 cây. Năm 2019 - 2020, HTX tiếp tục nhân số cây đầu dòng lên 80 cây, phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa đặc hữu, nhằm cung cấp giống chuẩn, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng.
HTX cũng tự trồng và phát triển được 2 mẫu cam giấy an toàn, chú trọng liên kết với một số vệ tinh là các hộ nông dân Tiên Tráng có tâm huyết trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây bản địa này.
Cả thôn Tiên Tráng hiện có tới 80% số hộ trồng cam giấy. Có hộ trồng 10 cây trong vườn, một số hộ trồng 2 - 6 sào. Mỗi mùa cam, nhiều hộ thu nhập 15 - 30 triệu đồng, một số hộ thu tới 90 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Nhung (thôn Tiên Tráng) cho biết, 3 sào vườn của gia đình trồng được 30 cây cam giấy. Những cây cam lâu năm được chăm sóc tốt, mỗi mùa có thể thu 1 - 1,5 tạ trái, mỗi gốc cam sai quả cho thu nhập 2 - 3 triệu đồng (giá 20.000 đồng/kg).
"Nếu được hỗ trợ tốt, trái cam giấy vào được siêu thị, cửa hàng nông sản sạch thì giá sẽ cao hơn và người dân sẽ mặn mà nhân rộng”, bà Nhung nói.
Cùng ở thôn Tiên Tráng, do vườn hẹp nên gia đình ông Trần Văn Quang chỉ trồng được 5 cây cam giấy; có mùa mỗi cây cho 1,5 tạ trái, bán được 2 - 2,5 triệu đồng.
Đặc biệt là gia đình ông Phan Văn Hội - hộ trồng nhiều cam nhất thôn Tiên Tráng với hơn 5 sào cam giấy, khoảng 100 gốc, cho thu hoạch cả trăm triệu đồng.
Xây dựng chuỗi liên kết
Nhằm ổn định đầu ra và tạo thương hiệu cam giấy Tiên Hà, chính quyền xã đã hợp đồng với HTX Nông nghiệp Phước Hà thực hiện chuỗi liên kết giá trị. Theo đó, HTX đã đảm nhận việc hỗ trợ cây giống cho nông dân xã Tiên Hà.
HTX Phước Hà đầu tư hệ thống sơ chế, đóng gói bao bì, gắn nhãn mác lên trái cam giấy để đưa vào cửa hàng sạch (Ảnh: TL) |
Để cung cấp đúng cây giống đầu dòng đạt chất lượng cao, HTX áp dụng phương pháp ghép, chiết cành ở những vườn trồng cam lâu năm tại các mô hình vườn mẫu. Trong giai đoạn trồng, HTX sẽ tư vấn, tập huấn kỹ thuật để người dân chăm sóc cam hiệu quả. Khi thu hoạch, HTX sẽ chịu trách nhiệm về đầu ra cho sản phẩm.
Do đó, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy rửa, máy hút chân không, từng bước hướng tới bao tiêu sản phẩm cho bà con.
HTX Phước Hà đã đăng ký thương hiệu, nhãn mác, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc cho trái cam giấy Tiên Hà. Năm 2019, HTX bước đầu thu gom, sơ chế, đóng gói, dán nhãn đưa được 3 tấn cam tươi vào cửa hàng sạch.
Hiện nay, HTX đang tích cực phối hợp với một số hộ dân có thiện chí phát triển sản xuất, mở rộng diện tích trồng cam, có thể áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn và thâm canh, tăng giá trị và chất lượng trái cam giấy.
Ông Đoàn Thanh Lân - Giám đốc HTX Phước Hà cho hay: “Để vào được siêu thị, đòi hỏi quy trình canh tác của người dân phải chuẩn. HTX cùng với người trồng cam nỗ lực hoàn thiện các thủ tục, đưa trái cam giấy Tiên Hà trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh. Được gắn sao OCOP, con đường đến với thị trường và các kênh tiêu thụ truyền thống lẫn hiện đại của quả cam giấy Tiên Hà sẽ rộng mở”.
Kỳ vọng của người trồng cam nơi đây đã trở thành hiện thực. Vừa qua, sản phẩm "cam giấy Tiên Hà" đã đạt hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh, mở ra triển vọng mới về đầu ra cho loại quả đặc sản xứ Quảng này.
Nguyễn Đan