Xã Hòa Bắc sở hữu những cánh rừng nguyên sinh đa dạng cùng những dòng sông, suối, thác ghềnh tuyệt đẹp, hoang sơ, gần như nguyên vẹn… Do đó, việc phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc đã tạo được việc làm cho nhiều người dân Cơ Tu tại đây, giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống…
Cải thiện sinh kế cho người dân
Với mục đích phục hồi những nét văn hóa Cơ Tu đặc sắc ở Hòa Bắc đang dần mai một, như nghề dệt thổ cẩm, đan lát… cuối năm 2017, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã được UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Bắc xây dựng và triển khai tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí.
Lễ hội cồng chiêng - một nét văn hóa người Cơ Tu (Ảnh: TL) |
Theo đó, hai thôn Tà Lang và Giàn Bí đã hình thành THT du lịch cộng đồng do chính anh Như là Tổ trưởng. THT có 5 nhóm gồm tổ ẩm thực 10 thành viên, tổ cồng chiêng 30 thành viên, tổ dệt thổ cẩm 20 phụ nữ, tổ đưa khách đi tham quan, thuyết minh viên 3 thành viên. Ngoài ra ra còn có nhóm hát lý giúp khách du lịch giao lưu với người dân, già làng, tìm hiểu các phong tục tập quán đồng bào Cơ Tu…
Bên cạnh đó, UBND huyện còn hỗ trợ cho THT đi giao lưu, mời các già làng, nghệ nhân Cơ Tu từ các địa phương Đông Giang, Tây Giang ở Quảng Nam về tổ chức cho bà con Cơ Tu ở Hòa Bắc ôn lại các nghề như dệt thổ cẩm, đan lát, múa cồng chiêng, tung tung da dá, chế biến các món ăn Cơ Tu…
Cuối năm 2018, THT du lịch sinh thái Cơ Tu ở Hòa Bắc đi vào hoạt động, chỉ trong thời gian ngắn đã đón hơn 500 lượt du khách trong và ngoài nước đến Tà Lang, Giàn Bí.
Đồng thời với đó là phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt với các sản phẩm thực phẩm sạch, rau sạch. Không những giúp bà con Cơ Tu phát triển kinh tế vườn rừng sẵn có tại địa phương mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng, vừa phục vụ cho mô hình du lịch sinh thái.
Được sự hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành huyện, xã, của tổ chức GAF (Quỹ môi trường toàn cầu), anh Đinh Văn Như (trưởng thôn Giàn Bí) đã cùng các cán bộ hai thôn đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền người dân triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng rau sạch
Đến giữa năm 2018, đã có nhiều hộ tham gia hưởng ứng, phát triển mô hình trang trại, chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao. Đơn cư như hộ ông Đinh Văn Hưng ở thôn Tà Lang phát triển nuôi giống heo đen. Nhiều hộ đã có vườn rau sạch, đủ cung cấp, sinh hoạt hàng ngày…
Phát triển du lịch sinh thái
Anh Như cho biết, những năm qua, nơi đây thu hút nhiều du khách từ cả trong nước và quốc tế đến tham quan, khám phá vẻ đẹp của thiện nhiên. Du khách đến để thưởng thức thiên nhiên, nhưng khi về họ để lại toàn là rác. Không ai quản lý những điểm du khách đến, du lịch tự phát đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tại đây. Người dân địa phương không có thu lợi được gì, còn phải gánh hậu quả về rác thải.
Homestay được bao quanh bởi những rặng tre (Ảnh: TL) |
Để đưa hoạt động du lịch tại địa bàn đi nề nếp, bài bản, quản lý được điểm đến của du khách,THT đã tổ chức các tour trải nghiệm trong ngày, du khách sẽ được trải nghiệm các nét văn hóa truyền thống, các món ăn dân dã của núi rừng Tây Bắc. Song song với đó là thu gom rác thải, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.
Nhờ hoạt động này, THT đã khôi phục dần các nghề truyền thống và cũng để tạo thêm thu nhập cho đồng bào Cơ Tu. Không chỉ vậy, ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao rõ rệt từ người dân đến khách du lịch.
Nhận thấy lượng khách du lịch có chiều hướng ngày một gia tăng, nhiều khách có nhu cầu nghỉ lại qua đêm nên anh Như đã mạnh dạn đứng ra vay tiền làm nhà lưu trú (hay còn gọi homestay).
Tháng 6/2019, dự án Homestay Đinh Như chính thức khởi công. Dự án nằm trong khuôn viên gia đình anh Như, nhìn ra bờ sông được bao quanh bởi những rặng tre và có hàng cau thẳng tắp dẫn lối vào. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và khánh thành vào đầu tháng 10 vừa qua.
Dự án nhận được sự quan tâm và theo dõi của UBND huyện Hòa Vang.Từ mô hình này được lãnh đạo xã và huyện quan tâm cho mượn không lãi 300 triệu, cộng với tiền vay mượn thêm. Hiện nay,Tổ hợp tác làm du lịch đã thành lập được 7 nhóm để phục vụ du khách, và bước đầu khôi phục được nghề dệt thổ cẩm, đan lát, sắp đến sẽ khôi phục nghề điêu khắc hình tượng gỗ và cho ra các sản phẩm bán kèm theo như, chè dây , mật ong rừng,ớt xim rừng,và thuốc thảo dược của người đồng bào.
Rõ ràng, muốn bảo tồn văn hóa của đồng bào thì không có cách nào tốt hơn là để các giá trị đó “sống” trong cộng đồng. Hy vọng những nỗ lực của các thành viên THT và bà con hai thôn Tà Lang và Giàn Bí sẽ là nền tảng để du lịch cộng đồng tại nơi đây phát triển tốt, tạo thêm công việc mới cho người dân góp phần thu nhập,để dân có điều kiện thoát nghèo và nhân rộng mô hình này để phát triển hơn nữa trong tương lai gần.
Ngọc Giang