Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay vùng Lìa có 11 HTX đang hoạt động, trong đó có 9 HTX nông nghiệp và 2 HTX phi nông nghiệp, các HTX đã thu hút 124 thành viên tham gia. Cùng với đó, các tổ hợp tác trên địa bàn phần lớn có quy mô nhỏ, tổ chức, quản lý, điều hành gọn nhẹ, linh hoạt, phạm vi hoạt động đa dạng, phong phú. Hoạt động của các HTX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo ở địa phương.
Hiệu quả từ chuyển đổi diện tích cây trồng
Trong những năm gần đây, cùng với tập trung duy trì và phát triển các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chuối, sắn..., với sự góp mặt của cây cao su đã đem lại nguồn thu nhập khá lớn trong đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng Lìa. Nhiều hộ trồng cao su không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo mà vươn lên khá giàu.
Các HTX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo ở địa phương. |
Cùng với đó, thực hiện Đề án “Chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, các xã vùng Lìa đã chuyển đổi 254 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su, nâng tổng số diện tích cây cao su ở đây lên 752 ha.
Nguồn thu nhập từ khai thác mủ cao su không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững mà còn giúp cho một số hộ vươn lên khá giả. Dự kiến từ nay đến năm 2025, các xã vùng Lìa sẽ thực hiện trồng mới từ 200 đến 250 ha cao su.
Tại xã vùng lìa A Dơi, đã thành lập HTX Sê Pôn, gồm 16 thành viên, cùng với 2 đại lý trên địa bàn đã mua mủ cao su nên rất thuận lợi cho cho bà con nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Sê Pôn cho biết: Mùa khai thác mủ cao su của người trồng cao su bắt đầu từ đầu tháng 4 năm trước đến tháng 1 năm sau. Niên vụ cao su năm nay, bình quân hằng tháng, HTX thu mua khoảng 45 tấn mủ tươi, với số tiền 45 triệu đồng.
Theo người trồng cao su, loại cây trồng này chỉ tốn kinh phí đầu tư trong thời gian đầu. Cây cao su chỉ cần bón phân 1 lần trong năm. Người trồng có thể tận dụng các loại phân chuồng, phân xanh hữu cơ ủ từ lá cây để bổ sung dinh dưỡng cho cây nên không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí như nhiều cây trồng khác.
Chị Y Xuân, xã A Dơi đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha trồng sắn sang trồng cây cao su tiểu điền. Đến nay, vườn cao su đã cho khai thác mủ được 2 năm, với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Thu nhập từ cây cao su đã giúp gia đình chị từ một hộ nghèo năm 2016, nay đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có khoảng 1.148,7ha cao su, trong đó 513ha đã cho khai thác mủ, tập trung chủ yếu ở các xã A Dơi, Thanh, Thuận, Lìa, Hướng Lộc là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Nếu mức giá ổn định như năm nay thì bà con dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập cao so với những loại cây trồng khác.
Điểm sáng nơi núi rừng
Cùng với cây cao su, phát triển cây cà phê theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường là một trong những hướng đi quan trọng được các xã vùng Lìa huyện Hướng Hóa dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển, nhằm đem lại lợi ích bền vững cho người dân.
KTTT, HTX đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ về cây, con giống giúp nâng cao đời sống cho bà con nơi đây. |
Một trong những điển hình thành công phát triển mô hình trồng cà phê sạch theo chuỗi là HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng.
Trước kia, bà con người dân tộc Vân Kiều ở Hướng Phùng đã trồng cà phê Arabica từ lâu. Tuy là cà phê sạch, chất lượng tốt nhưng mỗi khi đến mùa vụ vẫn bị thương lái ép giá.
Tháng 3/2018, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa được thành lập đã mở ra hướng phát triển bền vững, vươn lên làm giàu cho những hộ gia đình trồng cà phê nơi đây. Theo đó, trong 11 thành viên ban đầu thì có đến 10 người là đồng bào dân tộc thiểu số. HTX quản lý 70 ha cà phê, trong đó có 35 ha cà phê sản xuất hữu cơ.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, HTX đã tập huấn cho các thành viên biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu để có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn gấp đôi thị trường và ổn định từ đầu đến cuối vụ. Cụ thể, bà con tham gia HTX trồng cà phê Arabica sạch được bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định 10.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm quả cà phê tươi trong vùng chỉ ở mức 4.000 đồng/kg.
Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa chia sẻ: Vượt qua khó khăn ban đầu, đến nay, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa là một trong rất ít HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hoàn thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
HTX đã tập hợp và làm thay đổi được tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng một vùng trồng, chế biến cà phê sạch, giúp thành viên dễ dàng tiêu thụ sản phẩm và vươn lên làm giàu.
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa chia sẻ, các HTX ở vùng Lìa đã khẳng định vai trò là cầu nối cho sự phát triển, trao đổi hàng hóa, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng ổn định.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng, năng lực quản trị của HTX nông nghiệp; hình thành và phát triển các liên hiệp HTX kiểu mới... để các HTX hoạt động hiệu quả hơn”, ông Đặng Trọng Văn nói.
Kim Yến