Cát Tiên là huyện thuần nông của tỉnh Lâm Đồng, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng 43,16% trong cơ cấu kinh tế. Để nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện đã chú trọng thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật với sự dẫn dắt của các HTX, tổ hợp tác.
Nâng chất sản phẩm thế mạnh
Với sự đồng hành của địa phương, không ít HTX đã gặt hái được thành công trên thị trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên trong sản xuất kinh doanh.
Điển hình, HTX Thương mại dịch vụ và chế biến hàng nông sản xuất khẩu Lê Gia (thị trấn Phước Cát) không chỉ trồng điều mà còn đầu tư máy móc chế biến hạt điều.
Trung bình mỗi năm, HTX Lê Gia thu mua gần 500 tấn điều thô của hơn 100 hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng, đưa ra thị trường khoảng 125 tấn thành phẩm.
Đặc biệt, cách đây hơn 2 năm, sản phẩm hạt điều rang muối của HTX chính thức được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đạt cấp hạng 3 sao OCOP. Ngoài 7 thành viên, HTX Lê Gia đang tạo việc làm cho 120 lao động, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cũng ở Cát Tiên, thời gian qua, HTX nông nghiệp Trung Thành đang trở thành “đầu tàu” liên kết 17 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Brum (xã Gia Viễn) cùng nhau trồng lúa chất lượng cao.
“Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất, năng suất lúa của HTX đạt bình quân 60,9 tạ/ha. Ngoài sản xuất lúa thương phẩm, HTX còn sản xuất lúa giống và liên kết tiêu thụ cho các công ty. Sản phẩm được đóng bao bì mang nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”, giúp tăng giá trị từ 10-20%”, đại diện HTX cho hay.
Việc phát huy các sản phẩm thế mạnh là chìa khóa xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương. |
Đáng chú ý, từ hiệu quả của HTX Trung Thành, huyện đã nhân rộng mô hình trồng lúa chất lượng cao. Hiện nay, toàn huyện có 7 HTX nông nghiệp và 22 tổ hợp tác sản xuất lúa gạo. Cùng đó, hình thành 15 chuỗi liên kết, trong đó 10 chuỗi liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. 5 HTX được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” là HTX nông nghiệp Cát Thịnh, HTX nông nghiệp Trung Thành, HTX nông nghiệp Tân Hưng Phát, HTX Phước Cát, HTX nông nghiệp Cát Tiên.
Theo đánh giá của UBND huyện Cát Tiên, các mô hình sản xuất của tổ hợp tác, HTX lúa gạo đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững với tỷ lệ trung bình 7,2%/năm. Đến, cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn là 1,52%.
Phát huy tiềm năng sẵn có
Cũng giống như ở Cát Tiên, huyện Than Uyên (Lai Châu) cũng đang dành nhiều sự quan tâm, nguồn lực để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao vai trò của HTX, từ đó đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Xác định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do vậy công tác khuyến nông, khuyến lâm, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi được các ban, ngành chức năng huyện Than Uyên quan tâm, triển khai quyết liệt.
Với mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 5%, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chương trình, chính sách, hỗ trợ người nghèo làm kinh tế.
Hàng năm, huyện dành ngân sách địa phương hàng tỷ đồng chuyển sang Ngân hàng Chính sách ủy thác để hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế. UBND huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn lồng ghép các nguồn vốn khác hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm.
Một trong những địa phương làm tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Than Uyên là xã Mường Kim. Với sự đồng hành của các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hiện xã Mường Kim đã hình thành vùng nguyên liệu chè với tổng diện tích 249 ha, vùng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao trên 200 ha.
Bà Chứ Thị Xanh, dân tộc Thái chia sẻ: “Cách đây 5 năm, gia đình tôi vẫn thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào việc đi rừng, đất lúa cằn cỗi, nhiều năm không đủ ăn. Những năm gần đây, được địa phương hỗ trợ vốn sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, đời sống ngày càng được nâng lên”.
Hiện, với hơn 0,5 ha trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, được các HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn hỗ trợ bao tiêu, gia đình bà Xanh thu nhập bình quân 35 - 40 triệu đồng/năm, là mức thu nhập tương đối cao đối với một xã từng được ví như “lõi nghèo” của huyện như Mường Kim.
Lệ Chi