Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng hằng năm từ 10-30%.
Hiệu quả kinh tế cao
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc trưng vùng miền, Việt Nam là quốc gia được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Một trong những điểm đến là nông thôn để trải nghiệm, nhất là sau đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tìm đến không gian yên tĩnh, trong lành ở các vùng quê.
Nhận thấy tiềm năng đó, nhiều HTX trên địa bàn cả nước đã nhanh chóng bắt nhịp xu thế để thu về những thành công rất tích cực. Điển hình như HTX nông nghiệp Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã liên kết với doanh nghiệp để xây dựng tour du lịch trên địa bàn xã, mở ra hướng đi thoát nghèo, làm giàu cho thành viên.
Được thành lập vào năm 2017, HTX Định Thủy đang có 185 thành viên, trong đó 75% là các hộ trồng dừa. Cùng với 3 HTX khác cùng kinh doanh, sản xuất dừa theo chuỗi giá trị. HTX đã góp phần tạo đầu vào, đầu ra ổn định cho nhiều nông dân, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
HTX cần thúc đẩy du lịch nông thôn để tăng thu nhập cho thành viên, người lao động. |
Ông Đặng Trúc Phương, Giám đốc HTX, cho hay dịch vụ du lịch sinh thái của HTX được phát triển từ năm 2018. Để nâng cao chất lượng, HTX chủ động liên kết với doanh nghiệp lữ hành, ở đó thành viên HTX cung cấp các sản phẩm du lịch miệt vườn, còn doanh nghiệp sẽ kết nối với du khách.
Sau gần 2 năm chịu tác động của đại dịch, hiện HTX đang tích cực phục hồi hoạt động, tái khởi động các chương trình hấp dẫn để thu hút du khách. HTX đặt mục tiêu đưa dịch vụ du lịch trở thành lĩnh vực chủ lực, nâng cao 30 – 50% thu nhập cho thành viên.
Tương tự, HTX Du lịch – Nông nghiệp Bến Tre cũng được thành lập dựa trên chính sách thúc đẩy phát triển du lịch trên nền tảng sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân của tỉnh Bến Tre.
HTX được thành lập năm 2016 tại xã Nhơn Thạnh. Đến nay, HTX có gần 100 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 10ha đất trồng bưởi da xanh, sản lượng khoảng 80 tấn trái/năm. Nhờ kết hợp tốt giữa sản xuất và du lịch sinh thái, 100% thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ ở Bến Tre, nhiều tỉnh thành trên cả nước hiện cũng đang đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch sinh thái tại nông thôn. Ngay như tại thủ đô Hà Nội, các địa phương cũng đang đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua các HTX và lấy đó là điểm tựa để phát triển du lịch.
Thêm "đòn bẩy" cho HTX
Nổi bật có thể kể đến HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (Thường Tín) phát triển nhiều mô hình, trong đó có chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hoa cây cảnh, rau an toàn, trồng và chế biến dược liệu. Đặc biệt, sản phẩm trà chùm ngây của HTX đã được công nhận OCOP 4 sao nên thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.
Do có nhiều hoạt động du lịch phong phú nên khách tham quan, trải nghiệm du lịch ở Hồng Vân khá đông. Ước tính, mỗi năm HTX đón khoảng 20.000 lượt khách về tham quan, trải nghiệm với doanh thu từ du lịch đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, đang tạo việc làm, thu nhập cao cho hàng chục thành viên, người lao động HTX.
Dù đang được đánh giá có tiềm năng trở thành mũi nhọn trong phát triển du lịch, song theo nhiều chuyên gia, du lịch nông thôn tại phần lớn các tỉnh, thành trên cả nước vẫn còn nhiều bất cập.
Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh đánh giá, điểm hạn chế của du lịch nông thôn hiện nay là thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, ít cơ sở lưu trú chất lượng để khách ở lại lâu hơn. Ngoài ra, việc thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách đã khiến cho du lịch nông thôn phát triển manh mún, tự phát, chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ.
Trong khi đó, theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, sản phẩm du lịch nông thôn còn nghèo nàn, nhân lực lao động chủ yếu là người dân bản địa, nên những kiến thức, kỹ năng làm dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, đã nhấn mạnh việc phát triển du lịch nông thôn cần gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.
Theo chuyên gia, cùng với các quyết sách của Chính phủ, các địa phương cũng cần có quy hoạch và đầu tư vào du lịch nông thôn bài bản. Đặc biệt, cần có kế hoạch và mời chuyên gia cùng xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để đạt hiệu quả cao, tránh đầu tư nhiều mà khả năng khai thác thấp và nên tập trung vào thế mạnh du lịch làng nghề...
Với riêng các HTX, không thể phủ nhận những thành công đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng để phát huy tốt hơn nữa, bên cạnh tận dụng các chính sách hỗ trợ, các đơn vị cần đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp, chủ động nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, từ đó làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Lệ Chi