Tiền thân vốn là một câu lạc bộ sản xuất nấm, HTX Kim Thanh, xã Hòa Phong (Hòa Vang, Đà Nẵng) được thành lập từ năm 2010. Việc thay đổi hình thức hoạt động đang trở thành bước ngoặt giúp các hộ sản xuất nâng cao giá trị, gặt hái thành công như hiện tại.
HTX giúp nâng cao thu nhập
Ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX, chia sẻ trong suốt thời gian đầu hoạt động, HTX gặp không ít khó khăn. Để ổn định sản xuất, HTX đã mạnh dạn vay vốn 1,2 tỷ đồng từ quỹ HTX để sản xuất các loại nấm bào ngư, linh chi, mộc nhĩ… và chế biến thành nấm khô, nấm rim, mắm nước.
Nhờ sự ủng hộ của các chùa, đạo hữu, sản phẩm của HTX tiêu thụ khá tốt khi cung cấp cho các hội từ thiện từ Bắc đến Nam. Sản lượng bình quân của HTX đạt khoảng 150kg nấm/ngày. Các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Đến nay, HTX có hơn 30 thành viên, thu nhập trung bình 6 – 8 triệu đồng/tháng. Nhờ thu nhập ổn định, 100% thành viên, người lao động HTX có đời sống ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đặc biệt, với chất lượng sản phẩm vượt trội, HTX đã ký hợp đồng với siêu thị Vina Mart, đảm bảo một phần thị trường tiêu thụ cho thành viên. Tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022 diễn ra vào trung tuần tháng 8/2022, HTX đã chủ động kết nối và ký hợp đồng thành công với hàng loạt đối tác uy tín như: Coopmart, Big C, An Phú Farm, Hải An…
HTX Kim Thanh chỉ là một trong số những HTX trên địa bàn huyện Hòa Vang đang hoạt động hiệu quả và có đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề tại địa phương. Điển hình như các HTX nấm Nhơn Phước, HTX Hòa Phong 1, HTX Hòa Tiến 2…
Việc mở rộng cả về chất và lượng giúp nhiều HTX trở thành đòn bẩy giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương (Ảnh: BQN). |
Cũng giống như ở Hòa Vang, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cũng đang có phong trào phát triển HTX rất hiệu quả. Toàn huyện hiện có 21 HTX nông nghiệp với diện tích sản xuất gần 5.000 ha, thu hút gần 2.000 thành viên, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho 8.600 lao động thường xuyên và theo thời vụ.
Hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành đều quản lý được 2 khâu cơ bản là bơm tát tập thể gắn với quản lý lịch thời vụ và liên kết bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa. Điển hình như HTX Tân Hưng – Giục Tượng được chọn là HTX nông nghiệp điển hình về tổ chức đấu thầu cung cấp các dịch vụ đầu vào (bơm tát, làm đất, thu hoạch lúa) và tiêu thụ lúa cho thành viên.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ
Có thể thấy, các HTX đang ngày càng phát huy tốt vai trò cầu nối sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân. Để tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được, nhiều địa phương cũng đã đẩy mạnh các cơ chế đặc thù để hỗ trợ các HTX phát triển.
Điển hình như ở huyện Hòa Vang, trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện đã tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX theo Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND huyện hỗ trợ HTX Hòa Phong 1, HTX Hòa Tiến 2 mỗi HTX 10 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với kinh phí 400 triệu đồng.
Trong thời gian tới, để tháo gỡ các khó khăn về quỹ đất sản xuất, khoa học – công nghệ, trình độ nhân lực… ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng công tác chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tham quan học tập kinh doanh trong nước và quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong khu vực HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa các HTX trong huyện, thành phố về sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa.
Hay tại Châu Thành (Kiên Giang), để các HTX phát triển bền vững, huyện đã hỗ trợ cho các HTX thông qua việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, lồng ghép các chương trình mục tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (như đầu tư lưới điện phục vụ bơm tưới trong nông nghiệp, đầu tư thủy lợi, giao thông nông thôn, xây dựng cánh đồng mẫu lớn...).
Riêng năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 380 ha cho 4 HTX (HTX Tân Thành Công 130 ha, HTX Lộc Hòa 80 ha, HTX Tân Tiến 70 ha, HTX An Bình 100 ha).
Việc hỗ trợ cho các HTX được thực hiện tốt hơn qua việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, lồng ghép các chương trình mục tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ… Từ đó mang lại kết quả tích cực đối với việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, HTX.
Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, khi các HTX đang ở vị thế dễ chịu tổn thương hơn so với doanh nghiệp, thì sự đồng hành của các địa phương, với các cơ chế hỗ trợ đặc thù chính là các "điểm tựa" của HTX. Trong thời gian tới, các chính sách cần đi đúng và tập trung hơn để giúp các HTX ổn định sản xuất, phát huy tối đa vài trò điểm tựa xóa đói giảm nghèo cho thành viên, nông dân liên kết.
Minh Nhương