Với 0,6 ha sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Ngô Văn Cường ở ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy cho biết: Sản xuất sầu riêng VietGAP ban đầu gặp không ít khó khăn. Nông dân phải thay đổi thói quen, tập quán canh tác truyền thống.
Quyết tâm trồng sầu riêng sạch
Tuy vậy, theo ông Cường, đó là xu hướng tất yếu nếu nông dân muốn nâng cao giá trị nông sản. Khi tham gia HTX Cẩm Sơn, ông và các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đặc biệt là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, đúng liều lượng.
Nhiều năm sản xuất theo quy trình VietGAP, điều mà các thành viên HTX Cẩm Sơn mong muốn là thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập. |
Còn với 0,9ha sầu riêng đang tập trung chăm sóc, ông Hồ Văn Lập ở ấp 4, xã Cẩm Sơn, phấn khởi nói: "Nếu trước đây, các thành viên HTX Cẩm Sơn thường lo lắng về giá cả mỗi khi đến vụ thu hoạch, thì hiện nay, áp lực đó đã phần nào được tháo gỡ".
Cách đây 6 năm, HTX Cẩm Sơn đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng VietGAP với diện tích 20,3 ha tại xã Cẩm Sơn. Các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Năm 2022, HTX mở rộng diện tích sầu riêng VietGAP lên 100 ha. Đồng thời, xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng trái sầu riêng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, HTX đã mở các lớp tập huấn, cung cấp thông tin cho thành viên liên quan đến các quy định trong Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, như: Yêu cầu cụ thể về vùng trồng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; hướng dẫn giám sát sinh vật gây hại; quy trình cấp mã số và ghi chép tại vùng trồng…
Hiện nay, HTX Cẩm Sơn quản lý hơn 770 ha sầu riêng với hơn 1.600 hộ sản xuất. Năm 2022, HTX đăng ký sản phẩm OCOP sầu riêng trái cây tươi và được tỉnh Tiền Giang công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn, cho biết trong năm 2023, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác sầu riêng theo chuẩn VietGAP, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
Đem lại nguồn thu cao cho nông dân
Ngoài HTX nêu trên, ở huyện Cai Lậy còn có HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp ở xã Ngũ Hiệp đã trở thành điểm tựa vững chắc cho người trồng sầu riêng tại cù lao Ngũ Hiệp.
Ông Nguyễn Minh Khôi ở ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp - một thành viên cho biết, HTX cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra cho thành viên. Đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn người dân sản xuất sầu riêng theo quy trình đạt chuẩn để xuất khẩu. Trước đây, đến mùa sầu riêng, người dân rất sợ thương lái ép giá, còn bây giờ HTX đã giúp cho các thành viên thuận lợi tiêu thụ, không lo chuyện đầu ra nữa.
Điều kỳ vọng từ việc phát triển các HTX nông nghiệp ở vùng đất “cây lành trái ngọt” như Cai Lậy là giúp cải thiện nguồn thu nhập cho nông dân. |
Một thành viên khác là ông Ngô Văn Năm ở ấp Hòa Hảo, xã Ngũ Hiệp, cho biết khi đã tham gia vào HTX, thành viên phải thực hiện theo quy trình đã được hướng dẫn, để sản phẩm có năng suất và chất lượng. Khi sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thì giá bán cao hơn so với bên ngoài, giúp nâng cao thu nhập.
Năm 2022, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp đã xây dựng mã vùng trồng trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, với 279 hộ trên diện tích 190,16 ha.
Hiện nay, HTX đã có 10 ha sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hướng tới, HTX sẽ tiếp tục sản xuất thêm 40 ha theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính. Ngoài ra, HTX xây dựng chuỗi liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp có đủ tiềm năng để xuất khẩu sầu riêng sang thị trường khó tính.
Cùng với hai HTX trồng sầu riêng nêu trên, với thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp, huyện Cai Lậy hiện có 16 HTX với 12.303 thành viên. Huyện đã và đang thúc đẩy các hoạt động kinh tế tập thể trên vùng đất nổi tiếng là “cây lành trái ngọt” của tỉnh Tiền Giang nhằm giúp nông dân thoát khỏi cuộc sống chật vật, vươn lên làm giàu.
Bởi lẽ, có những giai đoạn mà giá cả nông sản trên địa bàn huyện Cai Lậy nói riêng và cả tỉnh Tiền Giang nói chung rơi vào tình trạng bấp bênh, đời sống của nông dân gặp khó khăn do nguồn thu nhập bị kéo giảm.
Chưa kể, từng có thời điểm mà hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và lấn sâu vào nội đồng làm cho hàng ngàn ha sầu riêng ở Cai Lậy bị chết và suy kiệt, giá trị kinh tế cũng suy giảm. Vì vậy, trách nhiệm lớn của các HTX trồng sầu riêng ở huyện sau khi đã phục hồi là cần cải thiện nguồn thu nhập cho nông dân và giúp loại cây trồng này phát triển ổn định.
Hơn thế nữa, điều kỳ vọng từ việc phát triển các HTX nông nghiệp trong huyện là cần làm sao khai thác những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về thổ nhưỡng, giúp nông dân cải tạo vườn tạp, hay những vùng đất gò sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Qua đó nhằm đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, củng cố vững chắc vị thế của HTX.
Tin rằng với định hướng phát triển kinh tế tập thể của huyện Cai Lậy trong thời gian tới sẽ giúp cho hoạt động của các HTX tiếp tục nâng cao hiệu quả, thể hiện rõ vai trò đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững của huyện.
Thanh Loan