Những năm gần đây, mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng của anh Nguyễn Văn Hà (ấp An Hòa, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) đã và đang được các thành viên HTX Chăn nuôi - dịch vụ Thanh An học hỏi để áp dụng vào trang trại của mình.
Mang lại thu nhập đáng kể
Mỗi ngày gia đình anh Hà thu khoảng 10 ngàn quả trứng từ số lượng nuôi 13 ngàn con đang trong thời kỳ thu hoạch trứng. Nhờ nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, anh đã đầu tư mở rộng chuồng trại lên 28 ngàn con. Mỗi lần có thu từ trứng, anh lại giành nguồn thu đó để tái đầu tư. Hiện mô hình đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
Mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng được các thành viên HTX Chăn nuôi - dịch vụ Thanh An học hỏi và áp dụng. |
Theo ông Cao Tự Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An (huyện Hớn Quản), mô hình này góp phần tích cực thúc đẩy nghề chăn nuôi của xã, có ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, cây trồng, vật nuôi, cần được nhân rộng. Trước đây, hầu như thành viên HTX đều phải thuê kỹ sư chăn nuôi tư vấn kỹ thuật, riêng anh Hà tự mày mò, học hỏi từ nhiều nguồn để áp dụng cho mô hình của mình.
HTX Chăn nuôi - dịch vụ Thanh An có 18 thành viên, có khoảng 50ha cây trồng gồm cao su, điều và tiêu... Giữa vườn cây là khoảng diện tích lớn để các thành viên chăn nuôi gia cầm với số lượng bình quân khoảng 6.000 con/thành viên.
Từ thành công trong mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng của anh Hà, HTX Thanh An đang hướng tới đổi mới phương thức chăn nuôi gà, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ để góp phần giảm nghèo cho bà con nông dân địa phương và ngày một phát triển đứng đầu trong phát triển kinh tế tập thể tại xã Thanh An.
Còn ở xã Tân Hưng, vốn là xã vùng sâu của huyện Hớn Quản có 2.890 hộ, trong đó 112 hộ nghèo và 89 hộ cận nghèo (hội viên phụ nữ nghèo là 35 người). Thời gian qua, nhờ chịu khó học hỏi từ các mô hình chăn nuôi gà đã giúp đời sống các hộ dân được nâng lên nhờ có nguồn thu ổn định từ nuôi gà ta thả vườn.
Góp sức trong quá trình giảm nghèo ở địa phương phải kể đến mô hình nuôi gà của HTX chăn nuôi Tân Hưng đang chăn nuôi hơn 5.000 con gà, vịt. Hầu hết thành viên tham gia HTX là người S’tiêng và từng có truyền thống chăn nuôi gà trên địa bàn xã.
Vào HTX, các thành viên được hỗ trợ vay vốn đầu tư chuồng trại nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh từ bên ngoài lây lan. Mô hình chăn nuôi của các thành viên mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc. Thức ăn chủ yếu là thóc, bắp, rau xanh nên tiết kiệm được chi phí, quá trình chăn nuôi còn giúp tận dụng nguồn phân bón trực tiếp cho cây cao su, cam, quýt.
Ổn định nhờ nắm chắc phương thức chăn nuôi
HTX chăn nuôi Tân Hưng đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Qua đó, giúp cho đồng bào S’tiêng đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững.
Mô hình nuôi gà thả vườn của HTX chăn nuôi Tân Hưng giúp giảm nghèo cho bà con địa phương. |
Điển hình ông Nguyễn Văn Mạnh ở cùng ấp Sóc Ruộng, cách đây 4 năm tham gia vào HTX Tân Hưng, được đi tham quan các buổi học tập chăn nuôi ở nhiều nơi. Sau đó, gia đình ông Mạnh vay vốn phát triển chăn nuôi gà trang trại, liên kết với thương lái bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.
Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả và từ lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, ông Mạnh nhận thấy nuôi gà ta thả vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đều. Trung bình mỗi năm gia đình ông nuôi 4 lứa, quy mô 1.500 con/lứa, giá bán trung bình từ 45-55 ngàn đồng/kg. Mỗi lứa ông thu từ 40-45 triệu đồng đã trừ chi phí.
Ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chăn nuôi Tân Hưng cho biết, HTX có 18 thành viên và đều nắm chắc được phương thức chăn nuôi nên ổn định.
Theo ông Nam, việc phát triển chăn nuôi, nuôi gà thả vườn ở xã Tân Hưng đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Từ đó, giúp người nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, sáng tạo trong vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao mức sống.
Qua mô hình này cũng cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao đời sống cho gia đình, góp phần tạo thêm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng ở địa phương.
Với việc phát triển chăn nuôi gà ở các HTX và trang trại được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở vùng đất đỏ bazan Hơn Quản. Từ đó góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, đặc biệt đối với người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thanh Loan