Thủy điện Sơn La đã biến vùng thượng nguồn sông Đà thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thành vùng lòng hồ rộng lớn. Tại đây, HTX nuôi cá tầm Hạnh Lợi đã phát triển nghề mới là nuôi cá tầm.
Sản xuất bài bản
Vốn loài cá chỉ thích nghi ở vùng nước lạnh nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật, cá tầm lại sống khỏe mạnh, phát triển tốt ngay trên hồ thủy điện Sơn La.
Bằng những kinh nghiệm của các thành viên, cộng với sự giúp đỡ, động viên của các chuyên gia từ một dự án nước ngoài, HTX Hạnh Lợi đã đầu tư khu bè nuôi cá rộng 600m2. Lồng nuôi cá được thả chìm, sử dụng lưới đặc chủng với hệ thống thùng phuy rỗng để làm phao nổi. Khu nhà canh cá đồng thời cũng là nhà kho được dựng ngay trên bè nổi, liền kề với dãy lồng nuôi…
HTX nuôi cá tầm Hạnh Lợi đầu tư nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện (Ảnh: TL) |
Với loài cá tầm, nguồn nước rất quan trọng, chính vì vậy, HTX luôn bảo đảm nước sạch vì nếu nước bị ô nhiễm cá sẽ bị mắc bệnh và chết. Thức ăn của cá không quá cầu kỳ, ngoài thức ăn công nghiệp, các thành viên cho ăn thêm cá, tôm tép nhỏ, điều cơ bản là phải chăm sóc và cho ăn đúng kỹ thuật.
Do là cá đặc sản, thêm vào đó được chăm sóc đúng kỹ thuật, tận dụng được nguồn thức ăn phong phú, đa dạng tại địa phương nên giá bán cá tầm cũng cao hơn hẳn so với các loại khác, nghề nuôi cá mang lại thu nhập cho mỗi thành trên dưới 250 triệu đồng/năm.
Điều quan trọng là nhờ sự hỗ trợ của địa phương, hiện sản phẩm cá tầm nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La của HTX Hạnh Lợi được Trung tâm chuyển giao công nghiệp và dịch vụ thủy sản Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi con cá tầm sau khi xuất bán cho doanh nghiệp đều được gắn mã truy xuất nguồn gốc.
Khách hàng có thể quét mã sản phẩm qua các ứng dụng điện thoại thông minh. Theo đó, các thẻ mã số đi kèm sản phẩm cá tầm của HTX sẽ giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý kiểm soát dễ dàng, biết chính xác lô hàng đó có địa điểm nuôi ở đâu, giống cá, đơn vị nuôi, ngày bắt đầu nuôi. Hiện nay, cá tầm của HTX được bán với mức giá 220- 400 nghìn đồng/kg tùy vào trọng lượng từng loại.
Đảm bảo an toàn trên lòng hồ thủy điện
Ngoài đầu tư khu vực lồng nuôi cá, HTX Hạnh Lợi còn đầu tư xây dựng nhà nổi 1.000 m2, với mục đích để phục vụ khách tham quan du lịch, kết hợp dịch vụ bán thức ăn và thuốc thú y cho người nuôi cá.
Nhờ sự đầu tư bài bản cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nhiều cảnh quan nên mô hình sản xuất của HTX Hạnh Lợi chính là chất xúc tác kết dính khách du lịch với vùng sản xuất thủy sản trên lòng hồ thủy điện.
Đối với HTX Hạnh Lợi, HTX lấy con cá tầm làm trọng tâm thu hút khách. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu quy trình nuôi cá tầm trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP, được trải nghiệm công đoạn sản xuất, thu hoạch cá và thưởng thức các món ăn chế biến từ cá tầm…
Theo Ban giám đốc HTX, với xu thế khách du lịch ngày càng ưa chuộng du lịch sinh thái, trải nghiệm thực tế các mô hình sản xuất an toàn, sạch nên HTX rất có lợi thế để phát triển loại hình du lịch này.
Bảo đảm an toàn lao động giúp HTX Hạnh Lợi sản xuất bền vững trên lòng hồ thủy điện (Ảnh: TL) |
Trong suốt quá trình sản xuất, HTX luôn đặt vấn đề an toàn lao động lên hàng đầu vì khu vực HTX sản xuất là trên lòng hồ nên có khả năng gây mất an toàn, đặc biệt là với khách du lịch.
Để giải quyết vấn đề này, HTX đã cùng các cấp, ngành kiên quyết chấn chỉnh hoạt động lưu thông của các phương tiện hoạt động trên lòng hồ, nhất là thuyền chở du khách phải đảm bảo không phải là phương tiện thô sơ tự chế, không đăng ký đăng kiểm, không đảm bảo an toàn lưu thông trên lòng hồ.
Đặc biệt, HTX tích cực phổ biến, tuyên truyền cho thành viên, nhân dân không được sử dụng các loại ghe thuyền thô sơ, bè nổi... để lưu thông trong lòng hồ với bất kỳ mục đích gì, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Những khu vực nước sâu, nguy hiểm đều được HTX đặt biển báo, biển cấm để mọi người cảnh giác. Bên cạnh đó, khu vực HTX đặt lồng nuôi không nằm trong dòng chảy chính của sông Đà nên hạn chế nguy hiểm, đồng thời tạo điều kiện giao thông thuận lợi, giúp HTX thực hiện đúng quy trình nuôi, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhờ chú trọng đến vấn đề an toàn lao động, tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm, dùng phương tiện tự chế thô sơ lưu thông trên các lòng hồ thủy điện - nơi thường xuyên xảy ra giông lốc, gió xoáy, tiềm ẩn nhiều tai nạn đã không xảy ra. Đây cũng là điều kiện để HTX phát triển bền vững, thu hút doanh nghiệp và khách du lịch.
Huyền Trang