Điểm sáng từ mô hình điểm
HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nam Cường (xã Yên Cường, huyện Ý Yên) là một trong những HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh nhờ áp dụng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Dự cho biết: "Để hoạt động hiệu quả, ngay từ đầu vụ, HTX đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn biện pháp canh tác, phòng trừ dịch bệnh và tổ chức thu mua nông sản cho thành viên. Trong đó, HTX liên kết sản xuất rau với một số công ty như: Công ty TNHH Thực phẩm nông sản Green, Công ty Xuất nhập khẩu rau củ quả Minh Anh Đồng Giao... Ngoài ra, HTX còn tiến hành cải tạo đồng ruộng, đường giao thông nội đồng, đáp ứng 4 vụ sản xuất trong năm và chỉ đạo thành viên, hộ nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty".
Vùng sản xuất tập trung của HTX Nam Cường (Ảnh: TL) |
Được biết từ năm 2015, HTX Nam Cường đã liên kết với tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) để sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản nhằm cải tạo đất giúp cây trồng phát triển, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng nông sản sạch, ngon, chống chịu các loại sâu bệnh. Với cách làm trên, người nông dân trực tiếp sản xuất được HTX và công ty bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý. Các cánh đồng liên kết sản xuất rau củ mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với các cây trồng khác. Hằng năm, HTX cung ứng hơn 100 tấn rau, củ, quả các loại chất lượng cao và đem lại doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HTX Nam Cường còn tổ chức các dịch vụ làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật....
Để triển khai các hoạt động hiệu quả, ngay từ đầu vụ, HTX đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn biện pháp canh tác, phòng trừ dịch bệnh và cuối vụ, HTX tổ chức thu mua nông sản cho thành viên. Tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, cải tạo đường giao thông nội đồng, đáp ứng 4 vụ sản xuất trong năm. HTX chỉ đạo thành viên và hộ nông dân, áp dụng đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty. Cách làm này đã giúp các thành viên và hộ nông dân trong HTX yên tâm sản xuất bởi đầu ra của sản phẩm được ổn định.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Nam Định, năm 2019 hoạt động của các HTX nông nghiệp tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 447 HTX và quỹ TDND đang hoạt động, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 344 HTX (288 HTX chuyên ngành trồng trọt; 6 HTX diêm nghiệp; 17 HTX thủy sản; 11 HTX chăn nuôi; 22 HTX tổng hợp). Các HTX nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới được phương thức hoạt động, nhiều HTX đã chủ động mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ để hỗ trợ, nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ gia đình thành viên.
“Một số HTX quan tâm và trực tiếp đầu tư để sản xuất kinh doanh, góp phần khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng đất đai, lao động, đồng thời tạo thêm động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều HTX đã thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản nâng cao thu nhập cho HTX và các hộ thành viên”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt cho biết.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp luôn đem lại hiệu quả kinh tế cho các HTX (Ảnh: TL) |
Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định khẳng định, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của từng loại hình HTX; đồng thời đẩy mạnh phát triển các HTX ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn.
Theo đó, sẽ áp dụng tiêu chí lựa chọn các HTX để hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng CNC, gồm: có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ưu tiên HTX đang bước đầu tiếp cận ứng dụng CNC vào hoạt động sản xuất; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có liên kết với doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNC vào sản xuất; có tiềm năng đất đai, vốn, có hạ tầng tốt để phục vụ sản xuất.
Trên cơ sở xây dựng thành công các mô hình HTX ứng dụng CNC, các địa phương tiến hành nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn, bảo đảm toàn tỉnh có khoảng 20 HTX ứng dụng CNC trong năm 2020.
Hà Nam