Sáng 23/12, một ngày trước Giáng sinh, ông Vũ, chủ mặt bằng trên đường Lê Lợi (Quận 1, TP.HCM), nhận tin khách thuê nhà xin chấm dứt hợp đồng trước 6 tháng, chấp nhận mất tiền cọc. Ông Vũ dự đoán khách của ông, là chủ shop thời trang, có thể đã quá tuyệt vọng vì kinh doanh ế ẩm.
Khách tháo chạy, chủ treo niêu
Việc khách trả nhà không khiến ông Vũ bất ngờ. Bởi theo ông, những năm trước, vào mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt là từ Noel đến Tết Nguyên đán, hàng quán ở TP.HCM thường chạy đua mở rộng các mặt hàng, tung chính sách khuyến mại để hút khách.
Tuy nhiên, năm nay, theo quan sát của ông Vũ, nhiều cửa hàng co rút lại. Khách của ông trước đó đã xin trả lại khu vực tầng 2, nay tiếp tục “tháo chạy” khỏi tầng trệt. Cộng thêm cửa hàng của ông, hiện tại, trên trục đường Lê Lợi hiện có hơn 10 mặt bằng đang treo biển cho thuê.
Những diễn biến hiện tại khiến ông Vũ nhớ lại thời kỳ đen tối của giới chủ cho thuê mặt bằng nhà phố cách đây hơn 1 năm, khi làn sóng “tháo chạy” của các thương hiệu nhỏ và vừa khỏi khu vực trung tâm TP.HCM liên tục dâng cao.
Nhiều chủ mặt bằng nhà phố lo ngại làn sóng trả nhà có thể tái diễn nhưng băn khoăn chuyện giảm giá. |
“Vào tháng 5 năm ngoái, khách thuê mặt bằng của tôi là một thương hiệu cà phê cũng xin chấm dứt hợp đồng sớm. Sau đó hơn 1 năm tôi mới tìm được khách thuê hiện tại vừa trả nhà. Nếu tình hình không được cải thiện, tôi lo làn sóng trả mặt bằng sẽ tái diễn”, ông Vũ chia sẻ.
Lo ngại của ông Vũ không phải không có cơ sở, khi theo ghi nhận của phóng viên VnBusiness tại loạt sàn thương mại chuyên nhà phố ở một số quận trung tâm TP.HCM thời gian qua cho thấy mặt bằng cho thuê vẫn để trống rất nhiều.
Ông Phan Tùng Lâm, quản lý một sàn môi giới trên địa bàn quận 1, tiết lộ công ty ông đang vận hành hơn 10.000m2 mặt bằng sàn nhà phố cho thuê, nhưng kể từ cuối năm 2022 đến nay, tình trạng chung là khách thuê khá ít. Năm 2024, tình hình có cải thiện song không mấy khả quan.
"Tỷ lệ lấp đầy tăng từ 30% lên trên dưới 50%. Dù chúng tôi đã giảm giá từ 10-15%, thậm chí có mặt bằng giảm tới 30% nhưng đối tác vẫn chọn trả mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua yếu, các công ty cắt giảm quy mô, hoặc chuyển ra vùng ngoại ô để giảm chi phí", ông Lâm lý giải.
Kết quả khảo sát thực tế cũng cho thấy giá thuê đắt đỏ đang khiến không ít thương hiệu từ lớn đến nhỏ tìm đường "tháo chạy" khỏi khu vực trung tâm TP.HCM. Điển hình, hàng loạt mặt bằng trên “đất vàng” đang bỏ trống hai bên các trục đường Lê Lợi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Chiểu, Đồng Khởi…
Giảm giá để cung gặp được cầu?
Tương tự, tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng nhà phố cho thuê dù có cải thiện hơn so với TP.HCM, song cũng không có nhiều đột biến. Khảo sát trên các trục đường như Phố Huế, Kim Mã, Tôn Đức Thắng, Kim Mã... các biển “cửa hàng cho thuê”, “tòa nhà cho thuê” vẫn la liệt.
Trên tuyến đường Kim Mã hiện có hơn 30 cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc sang nhượng mặt bằng. Gần đó, tuyến phố Nguyễn Thái Học cũng chung cảnh bỏ trống nhiều mặt bằng do không tìm được khách thuê.
Anh Đăng, một môi giới thạo tin về mặt bằng tại Hà Nội, cho biết các tuyến phố trên lúc trước chủ yếu kinh doanh thời trang, nhưng mặt hàng này giờ chủ yếu buôn bán online nên các chủ shop trả mặt bằng nhiều.
"Thời điểm dịch, khu này cao trào trả mặt bằng. Giờ đỡ hơn nhưng những mặt bằng diện tích lớn, chủ hộ muốn cho thuê nguyên căn, giá cao rất khó tìm được khách", anh Đăng tiết lộ.
Có thể thấy, việc giá thuê nhà phố liên tục leo thang khiến các thương hiệu từ lớn đến nhỏ đều đang thay đổi chiến lược kinh doanh, lựa chọn lùi ra xa hoặc sâu hơn thay vì vung tiền bám trụ lại các tuyến phố lớn. Ngay cả các thương hiệu đình đám cũng lựa chọn trả mặt bằng.
Có thể kể đến hàng loạt tên tuổi lừng lẫy trong ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) trả lại các cửa hàng tại các vị trí đắc địa sau nhiều năm gắn bó như Starbucks, McDonald's, Burger King…
Mới nhất, thương hiệu McDonald's thông tin về việc đóng cửa chi nhánh Bến Thành tại số 2-2A Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM. Đây là một trong những cửa hàng đầu tiên của chuỗi thức ăn nhanh này tại Việt Nam.
Trước đó, gã khổng lồ cà phê, đồ ăn nhanh của Mỹ là Starbucks cũng thông báo đóng cửa điểm bán cao cấp (reserve) cuối cùng tại TP.HCM sau 7 năm hoạt động. Burger King chia tay mặt bằng tại đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, sau 11 năm hiện diện.
Rõ ràng, các mặt bằng đắt đỏ tại “đất vàng” trung tâm đã không còn ở thời hoàng kim, được khách hàng bất chấp tiền bạc để tranh giành. Đáng chú ý, áp lực với các nhà cung cấp mặt bằng được dự báo sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi nguồn cung tiếp tục được đẩy lên.
Sự gia tăng của các trung tâm thương mại hiện đại được tổ chức bài bản sẽ khiến mặt bằng nhà phố trung tâm giảm sức hút khi loại hình này vừa đắt đỏ, vừa tồn tại nhiều hạn chế trong công tác quản lý, vận hành và tiện ích đỗ xe cho khách đến mua sắm.
Trước áp lực hiện nay, bà Hoàng Nguyệt Minh, chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội, cho rằng các chủ đơn vị bất động sản, đặc biệt là nhà phố cần thay đổi để thích nghi.
Theo bà Minh, các chủ nhà cần hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo mặt bằng có đủ điều kiện cấp phép cho thuê về công năng sử dụng, đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy. Sau đó là cần đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng gây khó cho doanh nghiệp thuê.
Hưng Nguyên