Hà Tĩnh có rất nhiều huyện nổi tiếng bởi trồng cam như Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà. Những giống cam được các địa phương này trồng nhiều có là cam chanh, cam bù và cam giòn.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Có được điều này là các địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng phù hợp cho cây cam phát triển. Những năm gần đây, nhận thức được yêu cầu của thị trường, người dân, HTX trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ từ đó mở ra hướng đi bền vững cho cây cam và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại xã Thượng Lộc, HTX Cam Thanh Hiền đang có 7,2 ha cam chanh và cam giòn cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Để có được điều đó, các thành viên đã áp dụng quy trình VietGAP, trong đó ưu tiên sử dụng phân từ quá trình chăn nuôi ủ với men vi sinh để bón cho cam nên vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường lại giúp cam đạt chất lượng cao. Vì áp dụng quy trình sản xuất an toàn, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ nên cam có độ ngọt tự nhiên, khác hẳn với loại cam có độ ngọt do bón nhiều kali.
Theo tính toán của HTX, cứ 1 ha có thể cho sản lượng khoảng 20 tấn, trừ đi các khoản chi phí sẽ thu về hơn 500 triệu đồng. Hiện cam của HTX được rất nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua với số lượng lớn để đưa đi tiêu thụ. Giá cam chanh thu mua bình quân tại vườn là 30.000 đồng/kg, còn đặc sản cam giòn Thượng Lộc giá 60.000 đồng/kg với sức tiêu thụ khá mạnh.
Còn tại HTX cam Khe Mây Long Nhâm (xã Hương Đô), nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích sản xuất là 68 ha cam, cam của HTX đã có tem truy xuất nguồn gốc và tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Theo kinh nghiệm của các thành viên HTX Long Nhâm, để cung cấp cam ra thị trường, đặc biệt là phục vụ thị trường Tết thì từ các khâu làm đất, bón phân đều phải đúng kỹ thuật. Đặc biệt là vườn phải có rãnh thoát để chống úng kịp thời, tránh không để cho cây bị xói mòn gốc. Các thành viên còn phải nắm được kỹ thuật để can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây, biết tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để cam ra hoa đúng thời điểm. Chính vì vậy mà qua nhiều năm, cam Khe Mây vẫn giữ được vị ngọt đậm đặc trưng và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Với hướng đi hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ HTX Long Nhâm hệ thống camera, máy tính… để HTX thực hiện chuyển đổi số, tăng cường giám sát, kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, trao đổi thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững.
Phát triển 7.200ha cam
Với giá trị của cây cam mang lại cũng như sự phù hợp của cây cam trên đất Hà Tĩnh, đến nay, loại cây này đã phát triển ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang được đánh giá là có diện tích cam lớn nhất.
Tại huyện Hương Sơn, cây cam đã được phát triển ở 25 xã với 2.670 ha, sản lượng 19.514 tấn/năm. Còn tại huyện Hương Khê, cây cam cũng phát triển trên 21 xã với diện tích 2.580 ha, sản lượng 12.081 tấn/năm. Hay Vũ Quang đang có 10 xã phát triển cây cam với diện tích 2.580ha, sản lượng 24.259 tấn mỗi năm.
Cây cam cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. |
Thống kê của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh cho thấy, toàn tỉnh đang có 7.200ha cam, trong đó tổng diện tích cam được mã hóa, truy xuất nguồn gốc là gần 2.000ha. Ðến nay, tỉnh đã có 130 cơ sở sản xuất cam được cấp chứng nhận VietGAP cho diện tích 762 ha và diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 70,8 ha.
Cây cam phát triển mạnh tại nhiều địa phương và mang về nguồn thu khá cho người dân. Cụ thể như xã Hương Đô (Hương Khê) đang thu hút khoảng 120 hộ trồng cam. Loại đặc sản này là cây trồng giúp nhiều hộ thoát nghèo. Đặc biệt với sự hỗ trợ của HTX Cam Khe Mây Long Nhâm, các hộ thành viên đều được tư vấn, tập huấn và thực hiện đăng ký mã số mã vạch, gắn tem truy xuất nguồn gốc QR code vào sản phẩm. HTX cũng đẩy mạnh bán hàng online nên đầu ra của quả cam khá thuận lợi.
Ông Trần văn Oánh, hộ liên kết với HTX Long Nhâm cho biết với gần 7.000 gốc cam trên diện tích gần 40 ha đất vườn, mỗi năm, ông thu hoạch trên 10 tấn cam. Với giá bán tại vườn từ 30.000 - 60.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, ông vẫn lãi 500-600 triệu đồng. Gia đình ông cũng là một trong những hộ thoát nghèo thành công nhờ trồng cam và liên kết với HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Hương Đô hiện có 350ha cam và có đến 300ha đang cho thu hoạch. Vào mỗi vụ Tết các hộ gia đình trồng cam ở đây thường thu hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Với số tiền này, nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhanh chóng.
Hướng đến tỷ lệ hộ nghèo ở mức 0,6-1%
Không chỉ tại xã Hương Đô, mà cây cam đang giúp Hà Tĩnh giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách hiệu quả. Năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 14.527 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,79% - giảm 3.321 hộ nghèo so với năm 2021.
Hà Tĩnh đang phấn đấu, đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2025 duy trì ở mức 0,6-1%. Để làm được điều này, ngoài đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh sẽ cùng các huyện thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Trong đó, lấy cây cam là một trong những cây mũi nhọn để phát triển theo hướng bền vững nhằm nâng cao thu nhập, hạn chế tái nghèo cho người dân.
Hiện, cây cam mang lại nguồn lợi kinh tế gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác. Để giúp người dân, thành viên HTX trong việc đầu tư trồng cam, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm cam sạch, an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng, nhãn hiệu đặc sản cam Khe Mây, cam Đức Lĩnh, cam Thượng Lộc... Đồng thời, hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ để thuận lợi đầu ra, tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, từ tháng 11 trở đi, người dân Hà Tĩnh sẽ bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cam. Nhưng theo xu hướng hằng năm, cam sẽ tăng giá vào thời điểm cận Tết cho nên người dân cần tính toán, tránh thu hoạch ồ ạt mà tập trung chọn tỉa quả chín sớm. Đi liền với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng giá trị trong sản xuất.
Tùng Lâm