Nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là do Công ty CP mía đường Hòa Bình xả thải ra môi trường
Chiều 11/5, Tổ công tác liên ngành tỉnh Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo Công ty CP Mía đường Hòa Bình để xử lý vụ xả thải gây ô nhiễm sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công ty CP Mía đường Hòa Bình cam kết sẽ bồi thường tất cả thiệt hại do việc xả thải gây nên, theo đúng kết luận của cơ quan chức năng.
Theo đó, UBND huyện Thạch Thành xác nhận đã đạt được thỏa thuận đền bù với Công ty mía đường Hòa Bình. Căn cứ vào mức độ thiệt hại cũng như giá thị trường hiện nay, hai bên thống nhất, nhà máy đường sẽ đền bù mức giá 80.000 đồng một kg. Với gần 17,4 tấn cá lồng bị chết do nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm, 34 hộ dân của huyện Thạch Thành sẽ nhận được trên 1,4 tỷ đồng. Nhà máy cam kết chi trả tiền đền bù tận tay người dân chậm nhất vào ngày 18/5.
Giám đốc Nhà máy đường Hòa Bình Nguyễn Khắc Chuyện cho biết, trước mắt công ty sẽ hỗ trợ các hộ nuôi cá bị thiệt hại 1,4 tỷ đồng theo đúng đề xuất của UBND huyện Thạch Thành. Đây là số tiền bồi thường cho hơn 17 tấn cá chết, còn kiến nghị hỗ trợ gạo 6 tháng cho 79 hộ và 2 tấn cá giống cho những hộ mưu sinh từ nghề sông nước, phía doanh nghiệp sẽ xem xét và phúc đáp sau.
Trước đó từ sáng 4/5, nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết nổi khắp lòng sông. Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi. Những ngày tiếp theo, cá lồng nuôi của nhiều hộ dân phía hạ lưu sông Bưởi cũng chết hàng loạt. Phạm vi ghi nhận cá chết ước tính 30 km dọc sông. Thống kê sơ bộ, đến sáng 7/5 đã có khoảng 17 tấn cá lồng bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Nhà chức trách xác định, "thủ phạm" gây ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi là do Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải bẩn ra môi trường.
Sau khi kiểm tra hệ thống xử lý rác, nước thải của công ty, ông Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình cho rằng, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chưa hoàn thiện, đề nghị tạm dừng ngay mọi hoạt động của nhà máy để khắc phục. Công ty cần khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình (Tổ trưởng tổ công tác) cho hay, trước mắt sẽ đình chỉ (đóng cửa) hoạt động 6 tháng đối với Nhà máy đường Hòa Bình để khắc phục hậu quả.
T.Linh