Xác định xây dựng Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã và đang triển khai chương trình, bước đầu đạt kết quả tích cực.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, nông nghiệp, nông thôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đặc biệt quan tâm đầu tư, trong đó, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Từ đó, xuất hiện nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng riêng, như: Gạo Long Trì (Tam Dương); rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường); rau su su Tam Đảo; thanh long ruột đỏ, cá thính (Lập Thạch); gốm Hương Canh (Bình Xuyên)… đã có vị trí nhất định trên thị trường, tạo việc làm cho lượng lớn lao động tại các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hiệu quả kinh tế đem lại từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, làng nghề truyền thống chưa cao.
Công tác tổ chức sản xuất thiếu chuyên nghiệp, tư duy làm ăn nhỏ lẻ manh mún; việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất còn hạn chế; vấn đề thương mại hóa sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; kỹ năng tiếp cận thị trường của nhiều làng nghề còn kém, dẫn đến hiệu quả, tính bền vững chưa cao.
Theo số liệu khảo sát, thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng Đề án “Chương trình OCOP” của Sở NN&PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 sản phẩm thuộc 4 nhóm: Thảo dược, vải - may mặc, thực phẩm, lưu niệm - nội thất - trang trí với 48 tổ chức đang sản xuất sản phẩm địa phương, tạo việc làm cho hơn 21.000 lao động.
Trong đó, có 20 nghệ nhân, 61 lao động có trình độ đại học, cao đẳng, 638 lao động có chứng chỉ nghề và hơn 20.000 lao động phổ thông, với mức thu nhập trung bình gần 3 triệu đồng/người/tháng.
Dự kiến quy hoạch Giảo cổ lam của huyện Tam Đảo vào sản phẩm OCOP của tỉnh
Thúc đẩy phát triển bền vững
Nhận thấy chương trình OCOP sẽ khắc phục được những tồn tại của nền nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, đồng thời, phát triển được các sản phẩm hàng hóa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, ngày 11/9/2017, Sở NN&PTNT xây dựng báo cáo số 221/BC-SNN&PTNT trình UBND tỉnh, xin chủ trương xây dựng và thực hiện Đề án “Chương trình OCOP” tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong báo cáo, Sở NN&PTNT nêu rõ: Chương trình OCOP được thực hiện tại 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Dự kiến giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, nổi tiếng, có lợi thế cạnh tranh, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2020 - 2030, mở rộng ra tất cả các sản phẩm truyền thống có tiềm năng phát triển thành hàng hóa và du nhập thêm các sản phẩm mới.
Dự kiến, quy hoạch 28 sản phẩm vào chương trình OCOP trong giai đoạn 2018 - 2030 của tỉnh, trong đó, lấy các sản phẩm: Thanh long ruột đỏ 3 của xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ (Lập Thạch); rau su su của các hộ tư nhân thị trấn Tam Đảo, xã Hồ Sơn, Hợp Châu, Tam Quan (Tam Đảo); dưa chuột an toàn đóng hộp xã An Hòa (Tam Dương); gà xã Tam Quan (Tam Đảo), các xã Thanh Vân, Đạo Tú, Hướng Đạo (Tam Dương); rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) là sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh.
Tin rằng chương trình OCOP sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM. Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn.
Đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn, từ đó, giảm việc di dân ra thành phố, thực hiện có hiệu quả tinh thần “Ly nông, bất ly hương”.
Thu Hà