Tuy nhiên, không phải cơ sở chăn nuôi nào cũng có ý thức xử lý chất thải chăn nuôi tốt, việc nhiều nơi xả thải không hợp lý và thiếu sót trong xử lý chất thải trước khi xả thải vào môi trường xung quanh đã gây ra những cấp độ ô nhiễm cục bộ khác nhau đối với nước, đất và không khí. Đồng thời, gây ra một tác động tiêu cực đối với y tế công cộng, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư.
80% chất thải chăn nuôi bị lãng phí, gây ô nhiễm môi trường
Theo thống kê của Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 15 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 24.000 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến là chăn nuôi lợn và gia cầm, mỗi năm khối lượng nguồn thải ra từ chăn nuôi ra môi trường là một con số khổng lồ, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn,…), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm.
Ts. Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá, phần lớn các cơ sở chăn nuôi gia súc và gia cầm hiện sử dụng thức ăn công nghiệp, mặc dù những cơ sở chăn nuôi nhỏ vẫn sử dụng thức ăn truyền thống (đó là gạo và cám gạo).
Ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi là các giải pháp quan trọng nhằm giữ vững môi trường xanh, bền vững. |
Ngoài hàm lượng dinh dưỡng cao, thức ăn công nghiệp cũng chứa hooc-môn tăng trưởng, kháng sinh và kim loại nặng. 60% mẫu thức ăn cho gia súc được báo cáo cho thấy, ít nhất một loại kháng sinh thuộc nhóm tetacylin và tylosin.
Dinh dưỡng và kháng sinh cùng những dư lượng khác trong phân động vật chưa qua xử lý, khi xả ra đất và nước xung quanh chính là những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm cục bộ.
Hiện tại, chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách, bao gồm ủ phân compost, sử dụng cho hầm khí đốt sinh học và sử dụng trực tiếp phân tươi làm phân bón.
Trong ủ phân compost, chất thải rắn được thu lại và trộn để sản xuất phân bón hữu cơ trong khi phần chất lỏng được rửa trôi khỏi sàn chuồng và xả vào môi trường xung quanh hoặc ao cá.
Trong khí đốt sinh học, chất thải được thu lại và xử lý trong hầm khí sinh học, khí ga tạo ra sẽ được sử dụng cho việc nấu và chất thải sau biogas được sử dụng làm phân bón hoặc xả vào các ao chăn nuôi cá. Đáng nói, tại một số nơi, phân chuồng tươi được bán và bón thẳng cho cây cối như những loại phân hữu cơ.
Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ
Trong bối cảnh đó, nhiều HTX, cơ sở chăn nuôi đã ý thức được việc bảo vệ môi trường và tận dụng những lợi ích từ chất thải chăn nuôi nên đã đầu tư trang trại bài bản, áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiên tiến cũng như xử lý chất thải, đảm bảo an toàn cho môi trường.
Để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. |
Như ở Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Viện Chăn nuôi Việt Nam để được cung cấp thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi đúng tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc HTX cho biết, HTX đã sử dụng đệm lót sinh học để giảm bớt ô nhiễm môi trường. Đây là một công nghệ tiên tiến sử dụng vật liệu hữu cơ để hấp thụ chất thải lỏng và dùng vi khuẩn để lên men phân nhằm giảm bớt mùi hôi và ô nhiễm.
Vật liệu thường được sử dụng làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gia cầm bao gồm vỏ trấu, mùn cưa, xơ dừa, và vi khuẩn lên men. Ưu điểm của công nghệ này là nông dân không phải làm sạch chuồng trại ngày. Điều này giúp giảm sức lao động và chi phí.
Hay như ở HTX chăn nuôi Bình Minh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã ủ phân compost. Đây là công nghệ đơn giản nhất được thực hiện bằng cách trộn phân và chất thải với thực vật cắt nhỏ. Do giàu chất dinh dưỡng, phân ủ compost được sử dụng cho các khu vườn, cây cảnh, trồng hoa và nông nghiệp.
Theo lãnh đạo HTX, phân ủ compost rất có lợi cho đất theo nhiều cách, bao gồm vai trò điều hòa và làm màu mỡ cho đất. Trong hệ sinh thái, phân ủ compost hữu ích cho việc kiểm soát xói mòn, cải tạo đất đai, và đóng vai trò như một lớp che phủ bãi đất.
Ưu điểm của công nghệ này là giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra phân bón hữu cơ cho đất và cây trồng. Hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đều sử dụng công nghệ phân ủ phân compost để tái chế chất thải và phụ phẩm nông nghiệp tại các cơ sở chăn nuôi của họ nhằm sản xuất phân bón hữu cơ cho mục đích riêng.
Chăn nuôi là một trong các phân ngành phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam và nhu cầu đối với sản phẩm chăn nuôi đang tiếp tục tăng. Dự báo, số lượng các cơ sở chăn nuôi vừa và lớn đã và đang phát triển trong những năm tới.
Rõ ràng, khi chăn nuôi ngày càng phát triển thì vấn đề xử lý chất thải càng cần được quan tâm. Do đó việc ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong chăn nuôi đang ngày một cấp thiết, điều này sẽ giúp các HTX, người chăn nuôi... giải quyết được bài toán khó về môi trường.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường khi sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. Từ đó, đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn và bền vững, góp phần quan trọng giải quyết tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Kim Yến