Một trong những nguyên nhân là người chăn nuôi quy mô nhỏ chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc xử lý nguồn chất thải, do kinh phí đầu tư cho xử lý chất thải còn cao, nên chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là một trong những nhân tố làm cho việc quản lý và xử lý chất thải còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và lây truyền các dịch bệnh cho người, vật nuôi và cây trồng.
Ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động
Theo Ts. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, hiện nay ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề của toàn cầu. Hiện tượng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng không chỉ do sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp, mà còn chiếm tỷ trọng lớn từ sản xuất nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi.
Hiện nay, nước thải và chất thải từ chăn nuôi đang làm nảy sinh rất nhiều vấn đề về chất lượng môi trường ở nhiều địa phương. |
Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất không cao, hiệu quả chăn nuôi thấp.
Ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi đang ngày càng nghiêm trọng khi người dân đua nhau chăn nuôi gia súc vì lợi nhuận ngày càng tăng mà không có ý thức đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý chất thải hợp lý.
Nguồn chất thải xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên quá nhiều dẫn đến ô nhiễm nguồn đất ở khu vực chăn nuôi, báo động ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí, đe dọa cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường còn xảy ra trong quá trình giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật, xử lý xác chết của chúng, các ổ dịch bệnh.
Quá trình sinh sống của gia súc, gia cầm ngoài thải ra chất thải như nói trên thì còn bài thải từ quá trình hô hấp của vật nuôi và thải ra các loại mầm bệnh, ký sinh trùng, các vi sinh vật có thể gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người và môi trườngsinh thái như: E. Coli, Salmonella, Streptococcus fecalis, Enterobacteriae, …
Chăn nuôi phát triển cũng tạo ra những rủi ro cho môi trường sinh thái và là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên nếu việc xử lý các chất thải từ chăn nuôi không được xử lý hiệu quả.
Nếu các chất thải chăn nuôi, đặc biệt phân chuồng không được xử lý hiệu quả sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khoẻ của cộng đồng dân cư trước mắt cũng như lâu dài. Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái.
Ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường
Ts. Nguyễn Thành Đồng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá, chúng ta đang hướng tới nền nông nghiệp sạch, bền vững, nên cần phải hạn chế và thay thế dần dần các loại hóa chất dùng trong sản xuất và chế biến các loại thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi đang là hướng đi bền vững được một số địa phương áp dụng. |
Tại Hà Tĩnh, công nghệ sinh học giá thể cố định MBBR kết hợp hóa lý để xử lý nước thải chăn nuôi sau Biogas được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi lợn của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát (huyện Kỳ Anh).
Ông Phan Công Vũ, Giám đốc HTX cho biết: “Đây là công nghệ mới với nhiều ưu điểm nổi bật nhờ các giá thể vi sinh tạo cho màng sinh học một môi trường bảo vệ, do đó, hệ vi sinh xử lý dễ phục hồi, có khả năng chịu được tải trọng hữu cơ cao, loại bỏ được ni-tơ trong nước thải, tiết kiệm được diện tích, dễ vận hành. Công nghệ này xử lý khí thải dựa vào sự hoạt động của các nhóm vi khuẩn có lợi cho môi trường và hệ thống rửa khí để loại bỏ các khí độc hại, bảo đảm môi trường trong sạch”.
Tại HTX chăn nuôi Hoàng Châu (Kỳ Anh) đã sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình phân huỷ chất thải hữu cơ (chất thải sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp: rơm rạ, phân gia súc, gia cầm, than bùn...) ở nhiệt độ cao 55-60 độ C, rút ngắn thời gian xử lý, biến chất thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp và cải tạo đất. Đồng thời, công nghệ này ức chế và diệt các vi sinh vật gây bệnh trong chất thải và giảm phát sinh mùi hôi thối và làm sạch môi trường.
Bà Trần Thị Châu, Giám đốc HTX chia sẻ, sau khi sử dụng chế phẩm Sagi Bio phun vào trong chuồng nuôi gia súc có tác dụng làm giảm phát sinh mùi hôi thối trong chuồng nuôi, nồng độ khí NH3 và H2S trong môi trường không khí trong chuồng nuôi đã giảm trên 70% sau một tuần sử dụng với không sử dụng chế phẩm Sagi Bio.
Có thể nói, để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, theo ông Nguyễn Thành Đồng, trước mắt cần tập trung hoàn các văn bản hướng thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như quy định về hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác (điểm đ, khoản 2 Điều 58).
Đồng thời, xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi nhằm từng bước giảm lượng phân hoá học sử dụng, từng bước hình thành chiến lược quản lý chất thải vật nuôi toàn quốc theo hướng coi chất thải chăn nuôi là tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác để tạo lập thị trường trao đổi, chế biến, lưu thông và sử dụng hàng hóa, xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc biệt đối với các HTX thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hoặc cho các mục đích sử dụng khác.
Song song đó, quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn quy hoạch chăn nuôi với quy hoạch bảo vệ môi trường, kiên quyết không triển khai các dự án chăn nuôi mới không tuân thủ quy hoạch, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn để quản lý an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại hình chăn nuôi, khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Nghiên cứu, phát triển các mô hình chăn nuôi – trồng trọt – nuôi trồng thủy sản không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.
Đoàn Huyền