HTX Vân Hà được thành lập đầu năm 2015, với mục đích mở ra hướng đi mới cho nghề chế tác gỗ truyền thống trước nền kinh tế thị trường, đáp ứng được nhu cầu khó tính của khách hàng.
Đầu tư công nghệ cao
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nghề chế tác gỗ, TTCN được đánh giá là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế tại xã Vân Hà. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị chắp vá đã khiến sản phẩm của làng nghề thiếu tính đồng bộ, chưa thu hút được khách hàng và gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, HTX Vân Hà đã tiến hành đầu tư hệ thống máy công nghệ cao (CNC) với chi phí 1,4 tỷ đồng trong điêu khắc tượng gỗ tự động 4 và 8 đầu đục đã mang lại nhiều tính năng ưu việt, thuận tiện cho quy trình chạm, khắc gỗ.
Theo Giám đốc HTX - nghệ nhân Nguyễn Văn Long: “Trước đây, khi sử dụng máy cũ - loại máy bán tự động, luôn phải có một thợ cầm máy để đục các chi tiết của sản phẩm. Đối với máy CNC chỉ cần bấm nút là máy sẽ làm tự động hoàn toàn, giúp giảm nhân lực, tăng năng suất, tăng tính đồng bộ sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh”.
Khi ứng dụng máy CNC vào sản xuất, năng suất làm việc sẽ tăng cao nên nên nhu cầu việc làm của HTX cũng tăng. Hiện HTX có 30 xã viên, nhưng vẫn phải thuê thêm lao động để đáp ứng nhu cầu hoàn thiện sản phẩm.
Hiện, doanh thu sản xuất của HTX về TTCN chiếm 65% doanh thu của toàn xã Vân Hà, ngày công lao động của xã viên đã được tăng từ 150.000 đồng lên 250.000 - 270.000 đồng/người/ngày. Bộ mặt kinh tế nông thôn được đổi mới.
Nhiều công đoạn chế tác gỗ đã được cơ giới hóa
Nhờ đổi mới công nghệ, các mặt hàng sản xuất của HTX cũng đa dạng hơn. Không chỉ dừng lại ở chế tác, chạm khắc gỗ, HTX còn phát triển đồ gia dụng phục vụ cuộc sống (tủ, giường, bàn ghế…). Sản phẩm của HTX chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan.
Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, ứng dụng CNC còn giúp HTX giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Nhờ tiến hành lắp hệ thống máy hút bụi nên lượng bụi gỗ do giai đoạn chà gỗ đã giảm, sức khỏe các xã viên được bảo đảm.
Tạo động lực sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Long, việc đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, không chỉ giảm bớt khó khăn cho HTX mà còn có tác dụng khích lệ rất lớn và là động lực giúp các thành viên hăng say sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay, HTX đang có nhu cầu mở rộng mạng lưới xã viên lên 100 - 150 người để hoàn thiện sản xuất theo dây chuyền. Các xã viên của HTX đều được tập huấn để bảo đảm vận hành và sản xuất an toàn.
HTX đang liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để bảo đảm đơn hàng, ổn định đầu ra. Đặc biệt, khi liên kết với các doanh nghiệp, HTX sẽ được hỗ trợ đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ KH-KT công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm…
Tuy nhiên, Giám đốc Nguyễn Văn Long cũng thừa nhận: “Dù đã đạt được những kết quả không nhỏ, nhưng hiện nay, khó khăn lớn nhất của HTX chính là mặt bằng sản xuất còn chật hẹp. Nhiều hộ thành viên vẫn phải tận dụng sân, vườn để làm xưởng sản xuất, gây khó khăn cho khâu vận chuyển và bảo quản sản phẩm”.
Chính vì vậy, HTX rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp ngành địa phương trong việc mở rộng mặt bằng sản xuất, có như vậy, HTX mới mở rộng quy mô, thu hút được nhiều người tham gia sản xuất.
Để giải quyết những khó khăn và phát huy những thế mạnh đã đạt được, các cấp chính quyền cần có những chính sách ưu đãi cụ thể trong phát triển TTCN để HTX Vân Hà nói riêng, ngành TTCN tại địa phương nói chung ngày càng phát triển bền vững.
Như Yến