Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng an toàn và hữu cơ gắn với phát triển thế mạnh địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 32 nhãn hiệu hàng hóa, như cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà, chè Bát tiên Mỹ Bằng, chè Làng Bát, chè Vĩnh Tân...
Điều kiện thuận lợi
Không chỉ có khí hậu phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp, chất lượng đất, nước tại Tuyên Quang được đánh giá vẫn còn sạch, chưa bị ô nhiễm. Các sản phẩm thiên nhiên từ rừng, đều có thể khai thác bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm và thực hiện tốt vấn đề dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho phát triển các vùng chuyên canh, các trang trại với quy mô lớn.
Hiện nay, để tạo thuận lợi mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường, Tuyên Quang đã tích cực xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với thế mạnh địa phương thông qua mô hình HTX, THT.
Thông qua tính pháp lý của các HTX, THT, sản phẩm của các thành viên và người dân được các tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ rõ ràng, bảo đảm minh bạch trong sản xuất.
Nguồn gốc sản phẩm được bảo đảm, giúp nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ được nâng cao. Đây là điều kiện để sản phẩm an toàn, sạch ngày càng phát triển.
Thông qua mô hình kinh tế hợp tác, các thành viên và người dân đã nắm được những kiến thức cơ bản trong sản xuất an toàn và sản xuất hữu cơ để áp dụng hiệu qủa vào trong sản xuất. Ý thức sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng về ATVSTP cũng được người dân thực hiện đúng theo quy định.
Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp gây nên những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Phát triển nông nghiệp an toàn đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không kích thích sinh trưởng, không chất bảo quản đang được một số HTX tại Tuyên Quang quan tâm.
Mô hình trồng nấm ở HTX nấm sạch Bình Yên (Sơn Dương) |
Hiệu quả thiết thực
Các mô hình kinh tế hợp tác này đã dần đi vào ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững. Thu nhập của người dân cũng tăng, sức khỏe được bảo đảm hơn so với phương thức sản xuất truyền thống.
Tiêu biểu là HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) tiến hành nuôi trâu và lợn theo phương pháp an toàn sinh học; HTX nấm sạch Bình Yên (Sơn Dương), sản xuất chè hữu cơ của HTX chè xanh làng Bát (Hàm Yên), sản xuất cam theo hướng hữu cơ vi sinh tại HTX sản xuất và tiêu thụ cam sành Hàm Yên (Hàm Yên)…
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, các mô hình nông nghiệp an toàn và hữu cơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng đất và đặc biệt là an toàn cho sức khỏe cộng đồng, thông qua hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong canh tác.
Ông Hoàng Văn Oanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, cho biết Chính phủ đang hướng đến một nền sản xuất sạch, ATVSTP, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Do đó, việc sản xuất hòa hợp với tự nhiên trở thành xu thế chung và mang lại hiệu quả cao kinh tế cao cho các thành viên và người dân địa phương.
Sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch đã góp phần tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Những HTX sản xuất thành công theo mô hình này đã trở thành những “con sếu” đầu đàn, thúc đẩy KTHT tại Tuyên Quang phát triển bền vững, cạnh tranh được trên thị trường.
Để phát triển và nhân rộng những mô hình này, mỗi cấp ủy chính, quyền địa phương cần đổi mới tư duy, khuyến khích nông dân hợp tác đầu tư với doanh nghiệp để nâng cao sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Như Yến