Xây dựng bể thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật góp phần nâng cao ý thức và bảo vệ môi trường |
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, đến ngày 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 480 HTX và 127 THT với 525.629 thành viên (tăng 34 thành viên so với cùng kì năm 2016).
Trong đó có 318 HTX nông – lâm – ngư nghiệp, thủy sản; 13 HTX tiểu thủ công nghiệp; 2 HTX xây dựng; 4 HTX thương mại dịch vụ; 4 HTX giao thông vận tải; 85 HTX tín dụng; 54 HTX điện năng.
Liên kết sản xuất sạch
Nếu như trước đây, nông nghiệp tại Thái Bình chủ yếu phát triển theo hướng “mạnh ai người nấy làm” thì nay, xu hướng liên kết sản xuất lại đang chiếm ưu thế và là hướng đi tất yếu, giúp nông nghiệp phát triển vững chắc và hiệu quả.
Chính vì vậy, để thức đẩy kinh tế đại phương theo hướng bền vững, trong năn 2018, tỉnh Thái Bình phấn đấu thành lập thêm 100 THT và 35 HTX, liên hiệp HTX trở lên; xây dựng ít nhất 15 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm bền vững gắn với nguồn lực của trung ương và địa phương…
Khi liên kết sản xuất, người nông dân sẽ đứng vững trên chính mảnh ruộng của mình. Nếu sản xuất riêng lẻ, sản phẩm nông nghiệp của người nông dân sẽ khó cạnh tranh trong nền nông nghiệp hàng hóa hiện nay.
Thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy là địa phương tiêu biểu của tỉnh Thái Bình thực hiện mô hình liên kết sản xuất muối sạch.
HTX đã tích cực ứng dụng khoa học kĩ thuật (KHKT) vào sản xuất khi đầu tư, sửa chữa sân kết tinh, nhang đựng nước, chạt lọc, thùng lắng lọc và bạt HDPE dày 0,5mm để phơi muối thay cho phơi muối trực tiếp trên các ruộng (phơi cát) như trước.
Sự liên kết của các thành viên và sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước đã giúp người dân Tam Đồng khắc phục được những hạn chế của sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Khi tham gia mối liên kết này, buộc người nông dân dần thay đổi phương thức canh tác, tuân thủ yêu cầu sản xuất sạch do doanh nghiệp đưa ra.
Tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, 3.138 hộ dân đã cùng nhau liên kết, thành lập HTX Nông nghiệp Điệp Nông, chuyên sản xuất rau màu bằng hình thức luân canh tăng vụ.
Đến nay, HTX liên kết với 9 doanh nghiệp tiêu thụ 12 - 15 loại nông sản. Diện tích sản xuất của HTX đã lên đến 35ha nhưng vẫn bảo đảm được đầu ra, đem lại lợi ích thiết thực cho HTX, thành viên và xã hội.
Hầu hết các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản tại Thái Bình đều chú trọng áp dụng kĩ thuật để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Nhiều mô hình thực hiện tốt quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất. Quỹ đất đủ lớn là nền tảng thu hút doanh nghiệp đầu tư, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, từ đó tạo ra các lợi thế cạnh tranh khác trong sản xuất.
Chú trọng môi trường
Trong liên kết sản xuất, các thành viên HTX có ruộng đất, trình độ sản xuất. Doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có vốn đầu tư, làm chủ khoa học kỹ thuật, tạo ra công thức liên kết hiệu quả. Phương thức liên kết, hợp tác này giúp nông dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.
Khi liên kết sản xuất, các HTX, THT hoạt động trên cơ sở pháp lý nhất định nên các quy định về sản xuất đều đươc tuân thủ nghiêm chỉnh nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Ông Trần Minh Chiêu - Giám đốc HTX Điệp Nông, cho biết HTX đã phổ biến và chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn trong sản xuất an toàn. Thông qua công tác tuyên truyền, các thành viên HTX nhận thức rõ trách nhiệm và tự giác thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong sản xuất.
HTX cũng tạo điều kiện thuận lợi như hỗ trợ vốn để các thành viên thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; liên kết với các cơ quan nhà nước, hỗ trợ các thành viên vốn, cây giống có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn; hỗ trợ thành viên đổi mới máy móc để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.
Tại huyện Đông Hưng, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hưng không chỉ làm tốt khâu liên kết, hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho các thành viên mà thời gian qua, HTX đã cùng địa phương xây dựng các bể thu gom bao bì các loại thuốc BVTV trên các cánh đồng, qua đó từng bước khắc phục thói quen xả thải phế phẩm nông nghiệp, vỏ thuốc BVTV bừa bãi của người dân.
Song hành với đó, để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường, HTX Đông Hưng chỉ sử dụng những loại thuốc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Bảo vệ thực vật quy định, trong đó ưu tiên các loại thuốc sinh học và thuốc có nguồn gốc sinh học.
Nhờ các mô hình HTX chú trọng sản xuất sạch, liên kết sản xuất, môi trường nông thôn Thái Bình đã hạn chế được tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Môi trường sinh thái dần được cân bằng, sức khỏe con người cũng vì thế được bảo vệ.
Như Yến