Măng cụt do HTX Tân Thành sản xuất giờ đây đã có tiếng vì được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất vào các siêu thị Co.opmart Trà Vinh, Cần Thơ và BigC Cần Thơ…
HTX cũng ký hợp đồng với các doanh nghiệp để đưa măng cụt tiêu thụ rộng rãi tại các tỉnh thành trong cả nước.
Xây dựng thương hiệu
Măng cụt là cây trồng lâu năm nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Chính vì vậy, quy trình chăm sóc khoa học là yếu tố quan trọng giúp diện tích măng cụt của HTX hạn chế dịch bệnh và cho ra những sản phẩm thơm ngon, có hương vị đặc trưng.
Ngoài việc cải thiện hệ thống tưới nước tự động để điều tiết lượng nước vừa đủ cho từng cây, HTX còn thực hiện nguyên tắc “3 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: “Đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng lúc” vừa giúp cho cây bảo đảm chất lượng, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Cây măng cụt có lợi thế là không sợ ngập nước, ưa bóng râm nên các thành viên trồng xen với một số loại cây khác nhằm tăng thu nhập.
Phải mất 7 năm cây mới cho quả, nhưng bù lại, năng suất của măng cụt đạt 10 - 12 tấn/năm, giá bán thường cao hơn chôm chôm, nhãn... giúp các thành viên thu về cả tỷ đồng mỗi năm.
Theo tính toán của HTX, măng cụt có mức đầu tư thấp so với nhiều loại cây ăn quả khác. Mỗi năm, HTX bón phân 3 đợt, chỉ tốn khoảng 35 triệu đồng/ha và thêm một số chi phí để trừ sâu. Chi phí lớn nhất là nhân công thu hoạch: Công hái cây nhỏ dao động 170.000 - 200.000 đồng/cây, cây lâu năm 350.000 - 400.000 đồng/cây.
HTX cũng phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ các thành viên về khoa học kỹ thuật, phân bón, cách bảo quản măng cụt sau thu hoạch; phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ thành viên vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Măng cụt được bao tiêu đầu ra sẽ ổn định về giá |
Tìm thị trường mới
Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, việc cung ứng sản phẩm ra thị trường cần phải theo hướng an toàn - bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng thì mới được đón nhận. Do đó, khi sản phẩm vượt qua được các “rào cản” về kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất không phải lo nghĩ nhiều tới đầu ra.
Khi đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm của HTX đã vươn ra các tỉnh thành trong cả nước. Măng cụt được bao tiêu đầu ra sẽ ổn định về giá. Hơn nữa, loại quả này cũng ít khi bị dội hàng do nhu cầu rất lớn mà nguồn cung lại hạn chế vì cây chủ yếu ra theo mùa vụ.
Hiện nay, HTX đang tập trung góp thêm vốn điều lệ, phát triển toàn bộ 30 ha măng cụt theo hướng GlobalGAP nhằm đưa măng cụt xuất khẩu tại các nước châu Âu.
Ông Đỗ Văn Tài - Giám đốc HTX Tân Thành, cho biết khi đã có nền tảng là tiêu chuẩn VietGAP, định hướng xuất măng cụt sang các nước châu Âu cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
“Điều chúng tôi cần lúc này là sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn để cây măng cụt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trong thời gian tới”, ông Tài cho biết.
Muốn bảo đảm được vấn đề an toàn thực phẩm, việc thực hiện tốt các quy định trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là “thước đo” quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, đối với người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm càng đòi hỏi cao hơn. Chính vì vậy, quy trình sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững của HTX Tân Thành là hướng đi đúng, giúp HTX tồn tại, phát triển lâu dài, ổn định.
Sản phẩm nông nghiệp của HTX cũng vì vậy mà có đầu ra ổn định, tạo thu nhập cao cho các thành viên và người lao động. Các thành viên hiện nay ý thức rằng măng cụt không chỉ là nguồn sống chủ yếu của họ, mà còn là sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Như Yến