Với tinh thần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, thúc đẩy các mô hình bảo vệ và phát triển rừng bền vững. HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận, xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức được xem là HTX đi tiên phong trong việc đầu tư, phát triển mô hình trồng rừng chống biến đổi khí hậu.
Tăng diện rừng FSC
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận cho biết, HTX ngành nghề mũi nhọn chính là tập trung phát triển rừng bền vững nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích rừng trồng cho thành viên vừa phát kinh tế, vừa chống biến đổi khí hậu.
Nhiều HTX đang hướng đến phát triển kinh tế rừng trồng bền vững, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu. |
Hiên HTX có tổng diện tích rừng khoảng 200ha, trong đó đã có hơn 100ha được cấp chứng nhận FSC.
Những cánh rừng sản xuất theo hướng bền vững, đạt tiêu chuẩn FSC đã và đang góp phần quan trọng trong phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giảm thiểu xói mòn đất và chống biến đổi khí hậu.
“Trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC không chỉ hiệu quả kinh tế cao mà còn mang lại những lợi ích về môi trường. Do rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, người dân không được phá rừng, không đốt rừng khi trồng mới” - ông Dương chia sẻ.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận hoạt động tốt, đúng chủ trương tái cơ cấu của ngành cũng như nhà nước là khuyến khích trồng rừng gỗ lâu năm để duy trì cây, đất trong thời gian dài, đảm bảo độ che phủ, giảm xói mòn đất, chống biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng rừng gỗ ngắn ngày trước đây.
Theo ông Phạm Viết Tích, toàn tỉnh có hơn 150.000ha rừng sản xuất, nhưng diện tích rừng được cấp chứng nhận FSC mới chỉ có 2.300ha, tập trung ở 3 địa phương: Núi Thành, Tiên Phước và Hiệp Đức.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng được khoảng 41.000ha rừng gỗ lớn, trong đó có 16.000ha được cấp chứng chỉ FSC.
Để thực hiện được điều đó, sở sẽ vừa tranh thủ các dự án phi chính phủ nước ngoài, vừa tham mưu tỉnh có chính sách thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn.
Đánh giá về mô hình của HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận, ông Tích nói: “Tôi đánh giá cao mô hình này và đang có ý định sẽ tham mưu tỉnh và tranh thủ các dự án để hỗ trợ HTX thành điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu để nhân rộng ra trong tỉnh”.
Với tinh thần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, thúc đẩy các mô hình bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Ông Trần Văn Thu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Quảng Nam đánh giá, xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện để nông dân, hộ gia đình liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm, góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển rừng bền vững
Là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 75% tổng diện tích đất tự nhiên và nghề trồng rừng phát triển, thời gian gần đây, một số HTX nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở hướng sản xuất cây giống lâm nghiệp hướng đến phát triển rừng bền vững, chống biến đổi khí hậu. Đơn cử như HTX Nông lâm Nghiệp Bích Trung, huyện Núi Thành, HTX Nông nghiệp Lâm Thiện Trương, huyện Phù Ninh, HTX nông nghiệp Xanh Bình An, huyện Thăng Bình, HTX Quế Phong, huyện Quế Sơn, HTX Quang Lâm, huyện Tiên Phước…
Các HTX, tổ hợp tác cần tích cực liên kết với doanh nghiệp phát triển trồng rừng FSC. |
Ông Trịnh Quang Phê, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bích Trung, huyện Núi Thành cho biết, nhằm tạo động lực để nâng cao sinh kế cũng như hạn chế biến đổi khí hậu, những năm quan HTX không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập qua công tác trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức, tích cực bảo vệ môi trường để phát triển rừng theo hướng bền vững.
HTX có 55 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, để được cấp chứng chỉ rừng, các hộ thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí như không được sử dụng thuốc diệt cỏ; phải bảo vệ các loài động vật hoang dã; không được đốt thực bì; phải có bảo hộ lao động khi chăm sóc rừng; quá trình khai thác không được để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng.
Khi trồng rừng FSC, sản phẩm đều có chất lượng cao nên được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn nhiều lần so với gỗ rừng được trồng thông thường nên nhiều hộ dân tích cực mở rộng diện tích trồng rừng FSC.
Có thể thấy, khi gắn giá trị kinh tế với rừng, người dân, HTX đã chú trọng áp dụng các quy tắc sản xuất, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được chú trọng, từ đó phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cân bằng môi trường sinh thái và đặc biệt là mang lại giá trị kinh tế lớn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá, sự thành công bước đầu của HTX trồng rừng không chỉ giúp tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức và tích cực trồng rừng. Từ kết quả trồng rừng của các HTX nông, lâm nghiệp đã tạo sức lan tỏa tích cực để nhân dân trong tỉnh học tập, làm theo, góp phần xã hội hóa nghề rừng.
“Các HTX, tổ hợp tác cần tích cực liên kết với doanh nghiệp phát triển trồng rừng FSC, tăng cường quản lý rừng và nhiều biện pháp khác nhằm hạn chế đến mức tối đa nguy cơ cháy rừng, góp phần chống biến đổi khí hậu, ổn định cuộc sống”, ông Thanh cho hay.
Minh Thành