Tại Quảng Nam, những năm qua, chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại.
Đây là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, do đó, tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại.
Phục hồi các hệ sinh thái
Việc HTX Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đầu tư trồng 200ha rừng, trong đó có 100ha được chứng nhận tiêu chuẩn trồng rừng bền vững FSC đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, khi mùa mưa đến, rừng sẽ làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, trồng rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với rừng gỗ thông thường.
Việt Nam đang nỗ lực để bảo tồn các hệ sinh thái, nét đẹp của tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững. |
HTX đã liên kết cùng địa phương hỗ trợ vốn vay cho người trồng rừng, cũng như đưa giống mới có năng suất cao vào trồng.
Các hộ đều áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng gỗ đồng bộ.
Điểm ưu việt của mô hình trồng rừng gỗ lớn là rất thân thiện môi trường. Nếu trồng rừng truyền thống ở khâu ươm cây giống thường dùng túi bầu bằng ni lông thì HTX lại dùng túi bầu tự hủy.
Theo ban giám đốc, ban đầu người dân cứ nghĩ rằng đầu tư túi bầu ni lông tự hủy sẽ đắt nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, trong khi chất lượng cây giống ít bị ảnh hưởng, tỷ lệ sống của rừng trồng tăng khoảng 30%.
Tại HTX Dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang thực hiện mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ rạn san hô để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn với diện tích 12,043ha.
Mô hình khoanh vùng bảo vệ san hô để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Nhơn Hải đã đem lại hiệu quả tích cực cả về bảo vệ hệ sinh thái biển và lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.
Ông Trần Thanh Thâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX cho biết, mô hình của HTX đã tạo nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, bổ sung cho nguồn lợi thủy sản ven bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ cảnh quan sinh thái để phát triển du lịch.
HTX cũng đã thực hiện tốt dịch vụ thu gom rác thải, xây dựng tour du lịch sinh thái biển cộng đồng, thân thiện, văn minh, tạo điều kiện cho 30 lao động của thành viên HTX có việc làm ổn định.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, trước tình trạng hệ sinh thái bị suy thoái nghiêm trọng, Việt Nam đang nỗ lực để bảo tồn các hệ sinh thái, nét đẹp của tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững. Phải để người dân hiểu được rằng tài nguyên thiên nhiên là tài sản vô giá, gắn với lợi ích của họ.
Theo ông, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức là chưa đủ mà cần phải có các biện pháp cải thiện sinh kế, tạo công ăn, việc làm ổn định cho cư dân sinh sống ven các khu bảo tồn.
Các giải pháp bảo tồn thiên nhiên
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã đưa ra nhiều điểm mới cũng như tính nhất quán về công tác bảo tồn thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn phục hồi đa dạng sinh học. Từ đó sẽ có tác động tích cực để mọi tổ chức, cá nhân cùng chung tay bảo vệ môi trường, vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, cho một tương lai bền vững.
Trong bối cảnh đó, Bộ TN&MT cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên như hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái hồ, sông suối, hệ sinh thái biển và ven biển.
Phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học, vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, cho một tương lai bền vững. |
Cụ thể như thực hiện các dự án trồng cây xanh, triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên, phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước, trồng các cây bản địa xung quanh hai bên hồ, sông suối và tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã, xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản.
Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng.
“Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối với với các địa phương trong việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen, đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế-xã hội tới các hệ sinh thái, đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế HTX sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên”, ông Võ Tuấn Nhân cho hay.
Ông Dương Thanh An, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường đánh giá, trước tình trạng hệ sinh thái bị suy thoái sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, Cục đang phối hợp với các địa phương thực hiện mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế.
“Đồng thời, chúng tôi xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế HTX bền vững trong vùng đệm. Nỗ lực đến năm 2030 phục hồi 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái.”, ông An cho hay.
Hoàng Hằng