Để phát triển lâm nghiệp nói chung và trồng rừng gỗ lớn nói riêng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế bền vững và tăng khả năng phòng hộ của rừng, các chuyên gia cho rằng, tỉnh cần có chính sách thành lập các HTX lâm nghiệp. Các HTX sẽ là "bà đỡ" lâu dài giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển kinh tế rừng trồng bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ.
Chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam, ngành lâm nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn.
Đến nay, tổng diện tích rừng đạt trên 15,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng 44%. Cơ cấu rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường.
Các HTX sẽ là "bà đỡ" lâu dài giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển kinh tế rừng |
Bên cạnh đó, kinh tế lâm nghiệp đã giúp nhiều địa phương có nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động. Sự tăng trưởng của độ che phủ rừng có thể nói là một trong những “chìa khóa” giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để triển khai tốt Chiến lược, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, đa dạng hóa sinh học rừng, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với quá trình cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Muốn làm được điều này, trong giai đoạn tới, công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây lâm nghiệp sẽ được đẩy mạnh, phấn đấu 90% diện tích rừng trồng là từ nguồn giống cây lâm nghiệp đã được công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế.
"Tại Thanh Hóa, để khắc phục tình trạng manh mún, tỉnh Thanh Hóa cần có các chính sách hỗ trợ các địa phương trong tỉnh thành lập các HTX lâm nghiệp. Đây chính là có cơ sở để phát triển lâm nghiệp nói chung và trồng rừng gỗ lớn nói riêng", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Thực tế, lâu nay, nhiều địa phương trong tỉnh rất cần "điểm tựa” trong quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rừng gỗ lớn.
Vì vậy, việc thành lập HTX không chỉ là “bà đỡ” cho đầu ra, giá cả ổn định mà còn giúp các hộ thành viên nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển kinh tế rừng trồng bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ.
Một vấn đề quan trọng nữa là Thanh Hóa cần có chính sách thu hút, khuyến khích các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ có công nghệ cao và chế biến tinh sâu, tận dụng được nguyên liệu nhằm tăng giá trị sản phẩm gỗ.
Các ngành chức năng cần tiếp tục chú trọng đầu tư và đổi mới nội dung công tác khuyến lâm, thúc đẩy người dân, các tổ chức áp dụng tiến bộ khoa học, các biện pháp kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất thâm canh để rừng đạt tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với tình hình mới trong xu thế phát triển của thị trường thế giới.
Những năm gần đây, một số tỉnh lân cận, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, đã triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn rất bài bản, có hiệu quả với việc thành lập các mô hình HTX. Ở Thanh Hóa, mô hình HTX lâm nghiệp còn rất ít, việc thành lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Giữ rừng nhờ HTX
Do đó, theo Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn: Muốn phát triển rừng và lâm nghiệp thì chỉ có cách phát triển HTX trồng rừng, HTX lâm nghiệp.
Chính vì vậy, các HTX lâm nghiệp trong tỉnh cũng đang rất cần được đầu tư, quan tâm mở rộng hơn về quy mô hoạt động, mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng cho thành viên.
Các HTX lâm nghiệp sẽ tạo ra những khu rừng gỗ lớn, vừa chống biến đổi khí hậu, giảm thiên tai vừa tăng thu nhập, giảm đói nghèo cho thành viên. |
Cùng với đó là tháo gỡ chính sách về vốn vay cho các HTX cũng như làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX theo đúng quy định triển khai nhiều dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất lâm nghiệp.
Tại huyện Như Xuân, HTX nông lâm nghiệp Trung Tiến, xã Cát Vân bước đầu đã thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trồng. Theo ông Lê Hữu Tuấn, Cát Vân là xã có diện tích rừng trồng lớn, với trên 960 ha, trải dài từ đầu xã đến cuối xã. Từ đầu năm 2018 đến nay, HTX nhận quản lý và bảo vệ 560 ha rừng trồng.
Để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, HTX luôn đặc biệt quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng. Công tác trồng rừng sản xuất và bảo vệ rừng tiếp tục được HTX quan tâm.
“Trong suốt thời gian qua, để bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn sinh học, HTX luôn phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương tuyên truyền người dân trong việc bảo vệ các loài động, thực vật. Theo đó, cấm săn, đánh bắt đi đôi với thả về rừng và phát triển rừng. Theo đó, mỗi người có thể góp sức bằng những hành động đơn giản như sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về đa dạng sinh học, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các cảnh quan thiên nhiên”, ông Tuấn thông tin.
Cũng giống như HTX Trung Tiến, tại HTX An Tâm (xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy), đại diện HTX chia sẻ, HTX quy định người dân chỉ được tiến hành các hoạt động sản xuất tại vùng ven rừng theo diện tích xác định, đã được quy hoạch và công bố công khai. Người đi làm phải đeo thẻ ra vào rừng, khi ra khỏi vùng sản xuất không được mang bất cứ tài nguyên gì của rừng ra khỏi rừng.
Các thành viên HTX cũng được phổ biến những hành vi bị nghiêm cấm như: Tự ý đi vào khu vực rừng, tự ý khai thác rừng trái phép, chặt phá rừng, chặt gỗ, đốt than, lấy củi, chặt cành tươi, chặt cây tươi, đốt than, đốt hoặc phá rừng làm nương rẫy, lấy đất, đá, sỏi, lấy lâm sản ngoài gỗ trái phép, săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép, lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép, chứa chấp, tiếp tay, bao che những hành vi làm tổn hại đến rừng.
Từ đó có thể thấy, đa dạng sinh học cho các HTX lâm nghiệp sẽ tạo ra những khu rừng gỗ lớn, vừa chống biến đổi khí hậu, giảm thiên tai vừa tăng thu nhập, giảm đói nghèo cho thành viên HTX.
Qua đó, người dân ý thức được lợi ích cũng như vai trò của mô hình trồng rừng, không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đảm bảo được các lợi ích về môi trường.
Đoàn Huyền