THT sản xuất ổi Bảo Quang chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012, với 12 thành viên. Khi áp dụng sản xuất theo chuẩn VietGap, các thành viên trong THT đã yên tâm hơn trong sản xuất.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Theo anh Huỳnh Văn Hải - Tổ trưởng THT sản xuất ổi xã Bảo Quang, THT được thành lập để liên kết các hộ sản xuất ổi riêng lẻ lại với nhau, đồng thời tập trung sản xuất theo mô hình sản xuất nông nghiệp tốt cho trái ổi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho các tổ viên.
Được sự hướng dẫn của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, các hộ đã được tập huấn trồng và chăm sóc ổi theo các tiêu chí của VietGap như: quy trình ghi chép nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ và cách xây dựng nhà kho, khu chứa phân bón, bể trộn thuốc, xưởng bảo quản… theo hướng an toàn.
Một vườn ổi của THT Bảo Quang
Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm của THT có lợi thế về hình thức và chất lượng với quả to đồng đều, thịt trắng, ít hạt, ăn giòn và có vị ngọt. Đặc biệt, ổi của THT ra quả quanh năm, nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch trong vòng 8 - 10 năm và năng suất trung bình trên 60 tấn/ha/năm.
Năm 2014, THT sản xuất ổi Bảo Quang đã được công ty CP Giám định và Khử trùng (FCC) cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm Ổi xá lỵ Long Khánh, diện tích chứng nhận là 3,9 ha với sản lượng 254 tấn/năm. Sản phẩm của THT đã có mặt tại các hệ thống siêu thị BigC, Co.op Mart Tp.HCM.
“Được cấp chứng nhận VietGap không chỉ là cơ hội để trái ổi Bảo Quang - Long Khánh cạnh tranh được với trái cây cùng loại trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đông đảo khách hàng trong nước, mà còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nhận xét.
Tiếp tục tìm cơ hội mới
Trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGap đã giúp các thành viên THT tăng thêm thu nhập, vì trong quá trình canh tác, THT đã không sử dụng phân hóa học, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ nâng cao năng suất và chất lượng, cây ổi được đánh giá là một trong những cây giúp xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Trần Công Nghị - Chủ tịch UBND xã Bảo Quang, mặc dù đã được một số siêu thị ký hợp đồng dài hạn, nhưng họ chỉ mua với số lượng nhất định, trong khi phần lớn sản phẩm vẫn vẫn bán tại vườn thông qua thương lái với giá thu mua không ổn định, nhiều lúc rất thấp, chỉ 2.500 - 3.000 đồng/kg.
Trong khi đó, những đoàn khách ở Tp.HCM, mỗi khi về Bảo Quang, đều đi tìm mua ổi VietGAP cho bằng được để ăn và làm quà, với giá mua cao hơn nhiều. Bởi ở thành phố, nếu cần ăn ổi vừa ngon vừa an toàn, họ không biết mua ở đâu.
Trước những khó khăn trên, THT đã đẩy mạnh liên kết với các THT và HTX chuyên sản xuất trái cây trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Hiện, THT đã liên kết với HTX trái cây Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) để mở rộng quy mô sản xuất, cùng liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Anh Huỳnh Văn Hải cho biết, sau khi làm việc với các cấp ngành và Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) đang có ý định đầu tư vào mảng nông nghiệp, trong đó có trái ổi của THT, vì đây là mặt hàng nông sản sạch. DN Nhật Bản sẽ tạo điều kiện để đưa trái ổi của địa phương vào hệ thống siêu thị, mở rộng mạng lưới tại cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản. Bên cạnh đó, DN Nhật cũng sẽ hỗ trợ THT về mặt kỹ thuật, công nghệ để mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
Như vậy, khi mở rộng sản xuất, ổn định đầu ra, sản phẩm ổi của THT Bảo Quang sẽ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời tạo động lực cho nông dân trên địa bàn tham gia THT, khi đủ điều kiện, THT sẽ phát triển thành HTX.
Như Yến