Sự phát triển của làng nghề bột gạo Sa Đéc đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị hạt gạo và rộng đầu ra cho sản phẩm lúa gạo ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, làng nghề đang thu hút 400 hộ sản xuất tập trung tại xã Tân Phú Đông, Tân Quy Tây và phường 2.
Động lực phát triển kinh tế
Theo thống kê, hàng năm, nghề làm bột tại làng nghề Sa Đéc cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước trên 50.000 tấn bột các loại, gồm bột ướt và bột khô; trên 70 sản phẩm được chế biến sau bột như hủ tiếu, phở, bột bánh xèo, nui...
Kèm theo đó, làng nghề cũng tạo được nguồn phụ phẩm để phục vụ cho việc chăn nuôi lợn tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương.
Trước đây, người dân chủ yếu làm bột bằng thủ công nên sản lượng và chất lượng bột chưa được bảo đảm. Những năm gần đây, người dân đã đưa cơ giới hóa quy trình sản xuất nên vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, vừa nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột gạo Sa Đéc.
Ông Bùi Quang Dương - Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông, cho biết các công đoạn như vo gạo, xay bột hầu hết đã được thực hiện bằng máy. Sử dụng máy móc giúp năng suất lao động tăng gấp 4 - 5 lần, chất lượng sản phẩm bột nâng cao, hợp vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng ưa chuộng hơn.
Quy trình sản xuất tại làng nghề bột Sa Đéc ngày càng được nâng cao, tư duy người làm bột dần được đổi mới. Hiện nay, đã có doanh nghiệp liên kết với HTX tiêu thụ bột gạo. Việc này giúp rộng đầu ra và nâng cao giá trị của sản phẩm bột gạo. Tiêu biểu như làng nghề đã liên kết với công ty CP Thực phẩm Bích Chi xuất khẩu các sản phẩm từ bột gạo sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Với chất lượng gạo được đánh giá cao, công ty TNHH thực phẩm Hùng Hậu cũng đã nhập bột gạo của làng nghề về sản xuất ống hút làm từ bột gạo. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, doanh nghiệp này có thể sản xuất 500.000 ống hút/ ngày, tương đương 5 tấn sản phẩm được làm từ bột gạo/ngày.
Sản phẩm ống hút làm từ bột gạo của làng nghề Sa Đéc đã và đang được chào hàng tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu. Ngoài ra, ống hút từ bột còn được phân phối trong nước. Thị trường chủ yếu cung cấp cho một số nhà hàng, khách sạn cao cấp.
Quy trình sản xuất tại làng nghề bột Sa Đéc hầu hết đã được cơ giới hóa |
Khắc phục khó khăn
Tuy nhiên, cái khó của làng nghề hiện nay là giá sản phẩm chưa ổn định, khi thăng khi trầm, người dân sản xuất bột vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tìm được thị trường.
Một số doanh nghiệp tìm đến làng nghề nhưng chỉ liên kết với những cơ sở sản xuất có quy mô lớn, đầu tư hiện đại, còn những hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn khó khăn về đầu tư máy móc và đầu ra.
Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo tại đây nói chung và nâng cao giá trị sản phẩm bột của làng nghề, việc làm hiện nay là địa phương cần xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài có sự tham gia nhiệt tình của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và sự đồng hành của địa phương trong việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất bột.
Giải pháp khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay là làng nghề cần thành lập các HTX. Từ các HTX, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sẽ được hướng dẫn sản xuất theo một quy trình, từ đó tạo được nguồn sản phẩm lớn, đồng nhất về chất lượng.
Sản xuất theo mô hình HTX, việc phát triển vùng nguyên liệu sản xuất gạo cũng được kiểm soát chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Yếu tố chất lượng đầu vào được xem là khâu then chốt quyết định sự thành công của các sản phẩm gạo và các sản phẩm sau bột.
Sự liên kết chặt chẽ và rộng lớn với các doanh nghiệp và HTX cũng giúp các sản phẩm bột và sản phẩm sau bột được cạnh tranh lành mạnh, hạn chế được những rủi ro từ sản xuất nhỏ lẻ.
Như Yến