Hòa Phong hiện có trên 1.700 hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chiếm 54,3% số hộ dân trong xã, gần 400 cơ sở, xưởng sản xuất, chế tạo, thu hút hơn 2.650 lao động trong và ngoài địa phương, với thu nhập bình quân 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Được công nhận làng nghề truyền thống, tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình làm nghề mộc tại Hòa Phong đa phần có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn, liên kết lỏng lẻo khiến chất lượng sản phẩm kém đa dạng và chưa khẳng định được tên tuổi trên thị trường.
Liên kết sản xuất
Để tăng khả năng cạnh tranh, khắc phục các hạn chế về quy mô, vốn sản xuất, bảo đảm các quy định về an toàn lao động, môi trường… HTX Mộc mỹ nghệ Hòa Thuận được thành lập vào tháng 5/2018, đóng vai trò dẫn dắt sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả của làng nghề.
Ông Phạm Thành Lợi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết: “HTX được thành lập với mục tiêu liên kết các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề, hình thành chuỗi sản xuất vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm các quy định về an toàn lao động, môi trường, đem lại lợi ích toàn diện cho người dân”.
Với tôn chỉ rõ ràng, HTX đã chủ động đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa, áp dụng máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất, qua đó góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng mẫu mã, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Trực tiếp quản lý ba xưởng mộc, với trên 20 lao động, anh Phan Nhật Trường (xã Hòa Phong) chia sẻ: “Nếu trước đây các xưởng “mạnh ai nấy sống”, thì nay dưới sự dẫn dắt của HTX, liên kết đã bắt đầu hình thành. Chúng tôi hiện cũng đang bắt tay với 11 xưởng vệ tinh, mỗi ngày đưa ra thị trường 15 sản phẩm, doanh thu bình quân 30 tỷ đồng/năm”.
Việc liên kết cũng giúp các thành viên của HTX Hòa Thuận nâng cao tiềm lực về tài chính, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, nâng cao cơ sở vật chất, đưa các loại máy móc hiện đại vào các khâu sản xuất.
HTX đang làm tốt về cả phát triển kinh tế và đảm bảo các yếu tố an toàn lao động |
Chú trọng an toàn
“Quá trình hiện đại hóa giúp HTX nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời, giải phóng sức lao động, bảo đảm an toàn cho thành viên. Nếu trước đây, người làm mộc phải tham gia vào hầu hết các khâu nguy hiểm như cưa, cắt, chạm khắc… thì nay tất cả đã có máy móc lo”, Giám đốc Phạm Thành Lợi cho hay.
Cùng với quá trình cơ giới hóa, HTX Hòa Thuận cũng đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về cả trình độ chuyên môn và ý thức về vệ sinh môi trường và an toàn lao động.
Hiện tại, 100% đội ngũ vận hành máy móc tại các xưởng sản xuất thành viên và xưởng liên kết của HTX đều đã thông qua đào tạo, nắm vững kỹ thuật. Người lao động của HTX cũng thường xuyên được cập nhật, bổ sung các kiến thức về an toàn lao động.
Vấn đề ô nhiễm môi trường và tai nạn lao động vốn là bài toán chung của các HTX, làng nghề mộc trên cả nước. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh hiện đại hóa gắn với an toàn lao động đã giúp HTX Hòa Thuận giải quyết tốt các vấn đề này, bảo đảm an toàn tối đa cho thành viên.
“Trong các xưởng sản xuất, bên cạnh trang bị hệ thống lọc không khí, ngăn bụi phát tán ra môi trường, thành viên HTX được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng và được khám sức khỏe định kỳ. Xác định con người là giá trị lớn nhất, vì vậy, bên cạnh lợi ích về kinh tế, an toàn lao động và môi trường sống luôn được HTX chú trọng”, Giám đốc Phạm Thành Lợi nhấn mạnh.
Với những nền tảng đã xây dựng được trong thời gian qua, HTX Hòa Thuận đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề.
Bên cạnh đẩy mạnh liên kết, phát triển sản phẩm, HTX đang đầu tư mạnh cho các hoạt động marketing, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm… nhằm giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hưng Nguyên