Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, những năm qua, huyện Yên Mỹ đã khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng các nguồn lực giúp các HTX, tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đổi mới sản xuất
Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất, chính quyền huyện Yên Mỹ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, an toàn, gắn liền liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản nhằm phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp an toàn.
Các chính sách phát triển đúng hướng đang tạo động lực cho các mô hình nông nghiệp đầy sáng tạo ra đời, vươn mình. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao được hình thành như sản xuất rau an toàn tại xã Việt Cường, Yên Phú; trồng cây ăn quả tại các xã Minh Châu, Yên Phú, Hoàn Long…
Yên Mỹ đang tập trung vào các cây trồng thế mạnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới (Ảnh: Tuấn Đạt). |
Nổi bật có thể kể đến mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau an toàn ở HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú. Hiện, diện tích rau an toàn của HTX và các hộ nông dân liên kết khoảng 35 ha, mỗi tháng cung ứng ra thị trường 45 - 50 tấn rau các loại.
Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (đã được công nhận), sản phẩm của HTX được các đối tác tiêu thụ tin tưởng, giá bán cao hơn 15 - 30% so với mặt bằng chung, đời sống thành viên, người lao động ngày càng nâng lên.
Bà Lê Thị Ước (thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú) chia sẻ, gia đình bà có 1 mẫu ruộng chuyên trồng các loại rau. Nhờ sự hỗ trợ của HTX, bà chủ động đưa các giống mới vào trồng, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể, giá bán cũng cao hơn giá thị trường 10 - 30%.
Theo bà Ước, thay đổi lớn nhất của nông dân khi có HTX đồng hành là ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn lao động. Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng đã dần được loại bỏ.
Thúc đẩy chuỗi giá trị
Tương tự, được thành lập vào cuối tháng 8/2019, đến nay, HTX cây ăn quả xã Minh Châu đã có bước phát triển nhanh chóng, trở thành điểm tựa sản xuất an toàn của hàng chục thành viên, hộ liên kết.
Những năm qua, HTX hoạt động trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, tự chịu trách nhiệm, hợp tác và phát triển giữa các hộ gia đình có nguyện vọng, tâm huyết với nghề trồng cây ăn quả trên địa bàn xã.
HTX được thành lập đã đáp ứng nhu cầu liên kết sản xuất và tiêu thụ, tạo thành vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Những thay đổi trong tư duy giúp nông dân Yên Mỹ no ấm hơn (Ảnh: Tuấn Đạt). |
Sự thay đổi về tư duy sản xuất cũng đang được thể hiện rõ ràng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Hoàn Long. Hiện, toàn xã có 362 ha đất canh tác nông nghiệp, 100% diện tích đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn xã đã thành lập được 6 tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP và 2 HTX sản xuất nông sản an toàn. Điển hình như HTX sản xuất ổi, rau củ quả VietGAP xã Hoàn Long đang phát triển sản xuất trên tổng diện tích trên 5,5 ha, chuyên trồng ổi và rau xanh theo quy trình VietGAP.
Ông Trần Văn Luyến, Phó Giám đốc HTX sản xuất ổi, rau củ quả VietGAP xã Hoàn Long, cho biết nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất theo quy trình VietGAP nên sản phẩm nông nghiệp của HTX luôn có đầu ra ổn định với giá bán cao hơn giá bán trung bình của người dân trong cùng địa bàn. Các sản phẩm rau xanh của HTX đã và đang ngày càng có mặt nhiều hơn tại các cửa hàng rau sạch, an toàn, các siêu thị lớn trên cả nước.
Tạo thế và lực
Nằm về phía bắc của tỉnh Hưng Yên, huyện Yên Mỹ có thể giao thương thuận tiện với nhiều khu vực. Đặc biệt, việc nằm giữa hai "chân kiềng" của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội và Hải Phòng giúp huyện Yên Mỹ có những lợi thế to lớn để phát triển.
Vì vậy, trong định hướng phát triển nhằm đưa Yên Mỹ bắt kịp với sự phát triển của cả nước, huyện Yên Mỹ xác định tập trung chỉ đạo phát triển hàng hóa nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp.
Trong đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, gắn trồng trọt, chăn nuôi với công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao đời sống của người dân và từng bước đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp.
Kết quả, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới, với 15 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 13 vùng trồng rau màu, 15 vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, bình quân mỗi xã quy hoạch từ 2 – 3 vùng sản xuất với quy mô trên 10 ha.
Với những nền tảng sẵn có, thời gian tới, Yên Mỹ dự kiến tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả phù hợp với lợi thế của vùng canh tác.
Huyện cũng sẽ thúc đẩy quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa, hiệu quả cao như: Vùng trồng cây ăn quả có múi tại các xã Minh Châu, Yên Phú, Lý Thường Kiệt, Yên Hòa, Hoàn Long; vùng trồng rau màu VietGAP tại các xã Yên Phú, Hoàn Long, Việt Cường… Hệ thống đường giao thông nông thôn, nội đồng và kênh mương thủy lợi được huyện quan tâm đầu tư, cải tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân.
Cùng với đó, để nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, huyện sẽ đẩy mạnh thu hút, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng an toàn, VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc… Đồng thời, khuyến khích các địa phương tăng cường liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Mỹ Chí