Nhờ hoạt động hiệu quả, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Thống Nhất đã và đang trở thành điểm tựa để xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Điểm nhấn HTX
Hàng loạt tên tuổi HTX hoạt động hiệu quả, đồng hành cùng nông dân làm giàu, có thể được gọi tên như HTX Nông nghiệp Vườn Xanh, HTX Kinh doanh tổng hợp Dầu Giây, HTX Nông trại Dốc Mơ Farm, HTX Rau sạch Tân Yên, HTX Môi trường Gia Tân 1...
Thành công trong nông nghiệp là đòn bẩy xây dựng nông thôn mới huyện Thống Nhất. |
HTX Dốc Mơ Farm, xã Gia Tân 3, hiện đang là một trong những mô hình làm nông điển hình ở Đồng Nai theo phương pháp thuận tự nhiên, thực nghiệm mô hình nuôi trồng kết hợp (vườn – ao – chuồng).
Từ khi đi vào hoạt động, Dốc Mơ Farm hoàn toàn tự cung tự cấp từ thịt, rau quả, trái cây, các loại dược liệu… HTX có gần 20 nhân viên của nông trại đều là người trẻ, tốt nghiệp đại học nông lâm, thú y, kế toán, luật… có cuộc sống tốt, mức thu nhập ổn định.
Tương tự, với sự đồng hành của HTX rau sạch Tân Yên, trong những năm gần đây, hầu hết các hộ nông dân trồng rau của xã Gia Tân 3 đều tuân thủ quy trình sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Đơn cử, trong quá trình canh tác, các hộ tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian cách ly) khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật luôn được tuyển chọn kỹ lưỡng theo danh mục cho phép. Các loại hợp chất vi sinh, phân chuồng hoai mục được người sản xuất địa phương ưu tiên sử dụng.
Hiệu quả của HTX là một trong những nhân tố giúp xã Gia Tân 3 là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện, với thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,67% từ cách đây 2 năm.
Ấn tượng “dân vận khéo”
Cùng với những dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thống Nhất còn nổi bật ở công tác dân vận khéo.
Nhờ vận dụng khéo léo và linh hoạt phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với từng địa chỉ, con người cụ thể, vì vậy, trong những năm qua nhiều phong trào thi đua tại huyện Thống Nhất tiếp tục phát triển, đi vào đời sống, mang lại hiệu quả tích cực. Số lượng, chất lượng các phong trào thi đua được nâng lên rõ rệt; các điển hình được nhân rộng và tạo hiệu ứng xã hội cao.
Toàn huyện đã xây dựng được 155 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đã có 462 tập thể, 5.499 cá nhân đăng ký thực hiện tập trung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng chính trị trong sạch vững mạnh.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội huyện Thống Nhất ngày càng được nâng lên. |
Cùng với đó, huyện đã phát động 5 đợt ra quân làm công tác dân vận gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã, huy động tổng nguồn lực 5 tỷ đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2020-2023, tại huyện Thống Nhất đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình thông qua các mô hình cụ thể trên từng lĩnh vực khác nhau như: “Vận động hội viên, nông dân chăn nuôi theo mô hình VietGap, mô hình vận động thành lập CLB Năng suất cao, tổ hợp tác, HTX của Hội Nông dân xã Gia Kiệm, xã Hưng Lộc, xã Gia Tân 1, xã Gia Tân 3; mô hình khu dân cư xanh-sạch-đẹp-sáng đèn đường của xã Gia Tân 2, xã Hưng Lộc và xã Bàu Hàm 2; mô hình xóm đạo bình yên của 5 xã Kiệm Tân; mô hình mỗi gia đình trồng và chăm sóc cây xanh của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội xã, mô hình “an ninh trật tự ở từng họ đạo”…
Hướng tới nông thôn mới nâng cao
Với những thành công trong phát triển sản xuất nông nghiệp, cùng công tác dân vận khéo, diện mạo nông nghiệp nông thôn huyện Thống Nhất đã có những thay đổi đáng kể, khởi sắc và tươi mới từng ngày.
Điển hình, như ở xã Phú Hữu điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới là thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 60,2 triệu đồng/người/năm (quy định của tiêu chí là 53 triệu đồng) và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xét theo hướng đa chiều chỉ còn 2,86% (quy định dưới 4%).
Còn tại xã Đại Thành có mức thu nhập của người dân đạt hơn 70,6 triệu đồng/người/năm, đồng thời xã xây dựng được mô hình ấp thông minh, nhiều mô hình sản xuất mang tính liên kết chuỗi, có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, có mô hình giáo dục môi trường trong nhà trường và cộng đồng học tập cấp xã được đánh giá, xếp loại khá.
Trên quy mô toàn huyện, đến nay, huyện Thống Nhất đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó có 5 xã (Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Gia Tân 2, Gia Tân 1, Xuân Thiện) đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, xã Quang Trung đã hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Tính đến thời điểm này, qua kết quả rà soát, đánh giá, huyện đã có 23/38 chỉ tiêu đánh giá đạt, 8/38 chỉ tiêu chưa đạt.Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥ 95%. Có 100% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có ít nhất 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường đạt ≥ 80%.
Cảnh quan, không gian trên địa bàn toàn huyện đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt ≥ 48%...
Với những kết quả trên, huyện đang hoàn thiện hồ sơ để trình công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh công tác dân vận, huy động nguồn lực của toàn dân, chính quyền địa phương…
Sáu Ngạn