HTX nông nghiệp Đạ M'ri là một trong những đơn vị trồng nhiều sầu riêng nhất ở Đạ Huoai, với tổng diện tích trên 300 ha. Năm 2023, với "tấm vé thông hành" xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân Trung Quốc của sầu riêng Việt Nam, các thành viên và hộ liên kết của HTX thắng lớn, nhiều chủ vườn có thu nhập hàng tỷ đồng.
Niềm vui từ cây sầu riêng
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp Đạ M'ri, cho biết thế mạnh lớn nhất của HTX là cây sầu riêng. Năm 2023, nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa nên xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, giá tốt hơn các năm trước, bà con rất phấn khởi.
Sầu riêng Đạ Huoai thu hoạch từ cuối tháng 5 kéo dài đến hết tháng 7. Năm nayh, toàn HTX thu hoạch hơn 11.000 tấn sầu riêng, giá bán xô cũng được 50.000 đồng/kg. HTX có 123 thành viên, hộ có diện tích sầu riêng ít cũng 0,5 ha, nhiều đến 10 ha và phổ biến là 3 ha.
“Bình quân mỗi ha sầu riêng cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, nên đa số thành viên HTX ai cũng có tiền tỷ sau vụ sầu riêng vừa rồi", ông Sơn hồ hởi cho hay.
Sầu riêng đang là cây kinh tế chủ lực của người dân Đạ Huoai (Ảnh: BLĐ). |
Thống kê cho thấy, huyện Đạ Huoai hiện có 5.980 ha trồng sầu riêng, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 3.501 ha. Năng suất sầu riêng ước đạt 115,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 40.000 tấn. Hiện, giá sầu riêng thu mua tại vườn đối với sầu riêng Ri6 trung bình từ 45-50 ngàn đồng/kg; sầu riêng Dona trung bình từ 65-70 ngàn đồng/kg.
Người dân nhiều địa phương như thị trấn Đạ M’ri và các xã Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đạ Tồn, Đạ Oai... đang ăn nên làm ra nhờ cây sầu riêng và các loại cây ăn trái khác như măng cụt, mít cùng cây chè trồng xen dưới tán điều.
Điển hình, trước đây, Phước Lộc là một xã nghèo, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào những vườn điều già cỗi thiếu sức sống. Còn hiện tại, khắp các ngọn đồi ở Phước Lộc đã được lấp đầy cây sầu riêng ghép có giá trị kinh tế cao. Trong đó, xóm Sình Mây là một điển hình cho mùa “quả ngọt”.
Đa dạng hóa sản phẩm
Anh Ba Lực, xóm Sình Mây tâm sự: “Năm 2012, gia đình tôi còn đang ở nhà tre, vách nứa và nhiều lúc cơm ăn chưa no. So với bây giờ thì quả là cuộc sống đổi thay một trời một vực và tất cả cũng dựa hết vào cây sầu riêng. Hiện, cứ đều đều hàng năm, vườn sầu riêng hơn 1,5 ha mang lại cho gia đình nguồn thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng”.
Cùng với sầu riêng thì nhiều loại cây trồng khác như măng cụt, dâu tằm và cây điều cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định, đang từng bước giúp người dân Đạ Huoai vươn lên làm giàu chính đáng từ chính mảnh đất quê hương.
Tuy không thể so sánh với cây sầu riêng, nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm đã và đang phát triển mạnh tại các xã phía Nam huyện Đạ Huoai như Đạ Tồn, Ma đa guôi và Đạ Huoai. Cây dâu tằm đã và đang giúp người dân các địa phương ăn nên làm ra, với mức thu nhập ổn định từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Dâu tằm cũng đang là một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo ở Đạ Huoai (Ảnh: BLĐ). |
Có thể thấy, trong gần một thập kỷ qua, huyện Đạ Huoai đã "thổi một luồng sinh khí” mới, đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Từ đó, giúp người dân thay đổi thói quen và tư duy sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún, từng bước đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển chuyên sâu, liên kết và bền vững. Nông nghiệp địa phương đã và đang mang lại cuộc sống ấm no và giàu có cho người dân.
Theo thống kê, huyện hiện có khoảng trên 2.700 ha cây trồng các loại được người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chiếm 18% tổng diện tích đất nông nghiệp.
Đặc biệt, đến nay, địa phương đã hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất sầu riêng cho hàng trăm hộ thuộc hơn 10 HTX, tổ hợp tác, với diện tích ứng dụng VietGAP đạt trên 315 ha.
Nâng tầm thương hiệu
Bên cạnh cây sầu riêng, Đạ Huoai đang xúc tiến xây dựng nhãn hiệu “Hạt điều Đạ Huoai”. Đồng thời triển khai xây dựng chương trình mỗi xã (thị trấn) một sản phẩm thế mạnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Điển hình, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ bước đầu đã bảo tồn được giống chè hoa vàng quý hiếm đặc trưng của địa phương và hình thành nên vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất bột matcha và trà túi lọc từ lá chè hoa vàng. Hiện, huyện đã có 2 cơ sở sản xuất bột matcha và trà túi lọc từ lá chè hoa vàng đi vào hoạt động. Sản phẩm xuất hiện trên thị trường được người tiêu dùng đón nhận và đã được công nhận sản phẩm OCOP của huyện.
Xác định ứng dụng khoa học công nghệ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thời gian tới, huyện Đạ Huoai chú trọng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch để tăng chất lượng, giá trị nông sản, tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng 4.0 đem lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Để đạt mục tiêu, Đạ Huoai đề xuất các nhiệm vụ tập trung vào các nội dung: Ưu tiên xác định lựa chọn các nhiệm vụ, dự án mang tính thực tiễn, đem lại hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng. Đẩy mạnh khảo nghiệm những giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng với điều kiện tự nhiên của huyện. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là trong canh tác cây sầu riêng, đưa nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” trở thành thương hiệu mạnh, uy tín trên thị trường.
Huyện cũng đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các ngành chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản chủ lực của huyện như sầu riêng, hạt điều, dâu tằm. Đồng thời, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực.
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp, số hóa quy trình sản xuất bằng phần mềm quản lý, tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương với các sàn thương mại điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Lệ Chi