![]() |
Các mô hình liên kết trồng chè tại Thái Nguyên đang cho lợi ích kép về kinh tế và môi trường |
Từ nhóm hộ đến HTX
Năm 2001, 3 hộ trồng chè xã Quyết Thắng (Tp.Thái Nguyên) đã thành lập nhóm sở thích những người làm chè với quyết tâm nâng cao giá trị sản phẩm. Sự thành lập của nhóm đã tạo nên bước ngoặt giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất.
Hiệu quả của nhóm sản xuất đã gây ấn tượng mạnh, trở thành điểm tựa để các thành viên thành lập HTX chè Tân Hương, thu hút thêm 33 hộ, nâng số thành viên lên con số 36, bắt tay vào quá trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Nguyễn Thị Nhài - Phó Chủ nhiệm HTX, cho biết: Để hoạt động có hiệu quả, HTX đứng ra cung ứng phân bón cho hộ thành viên, đồng thời tổ chức cho các hộ tham gia các lớp tập huấn về trồng chè, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2011, HTX vận động hộ xã viên sản xuất theo quy trình UZT (Nông nghiệp tốt).
Đến nay, số thành viên HTX tăng lên 45 hộ, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện. HTX đã có 12 ha chè của 22 hộ xã viên được cơ quan chức năng công nhận đạt quy trình sản xuất UZT. Mỗi năm, HTX có gần 30 tấn chè an toàn cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Thành công của HTX chè Tân Hương chỉ là một trong số rất nhiều mô hình HTX chè được hình thành từ các nhóm sở thích. Theo thống kê, trước năm 2011, tỉnh Thái Nguyên chỉ có 8 HTX sản xuất, chế biến chè, đến nay toàn tỉnh đã có 35 HTX.
Hầu hết các HTX chè phát triển ổn định, đời sống xã viên liên tục được nâng cao. Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như HTX chè Thiên Phú An (xã Phúc Trù, Tp. Thái Nguyên), HTX làng nghề chè xã Vô Tranh (huyện Phú Lương), HTX chè Nguyên Việt (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ)…
![]() |
Các mô hình chè sẽ được chú trọng phát triển theo hướng VietGAP |
Lợi ích kép cho người dân
Phát triển trên “thủ phủ” chè Tân Cương, HTX chè Thiên Phú An (xã Phúc Trù, Tp.Thái Nguyên) hiện đang có 12 hộ thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 15 ha.
Bà Hoàng Thị Hiền Thục – Giám đốc HTX, chia sẻ: “100% diện tích chè của HTX đang triển khai theo tiêu chuẩn VietGAP. Mang lại lợi ích kép cho thành viên về giá trị kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động”.
Cụ thể, về kinh tế, sản lượng và giá trị sản phẩm của HTX tăng trên 30%, với giá bán cao và ổn định ở mức 200 – 220 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè chất lượng cao của HTX ngày càng được mở rộng.
Về môi trường, các thành viên HTX được tập huấn, trang bị kiến thức về làm chè sạch, tuân thủ tuyệt đối tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có quy tắc “5 không” gồm không sử dụng đất, nước ô nhiễm, không thuốc hóa học, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng.
“Quy trình VietGAP giúp HTX giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm, từ đó, đảm bảo sức khỏe cho thành viên, đồng thời, ngăn tình trạng thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, đảm bảo sự phát triển bền vững”, bà Hoàng Thị Hiền Thục nhấn mạnh.
Phát triển theo xu hướng xanh, nhiều vùng chè Thái Nguyên đã kết hợp sản xuất với du lịch sinh thái. Cụ thể, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên chủ trương đầu tư 3 mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm chè với diện tích 120 ha gần Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, với hạ tầng đồng bộ, thiết kế, trồng chè khoa học, chỉnh trang nương chè đẹp mắt, sản xuất chè theo hướng hữu cơ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
Đồng thời, tỉnh cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động nhiều gia đình ở các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ và Tp. Thái Nguyên cải tạo nương chè đẹp, đầu tư dịch vụ kèm theo để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách…
Mộc Miên