Theo thống kê từ Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình, tính đến tháng 7/2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 34 dự án cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn đã được chấp thuận đầu tư, phục vụ nước sạch cho 1,2 triệu người trên địa bàn 175 xã.
Trong đó, 27 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. 10/27 dự án đã đi vào hoạt động đủ điều kiện cấp nước với công suất thiết kế đăng ký 58.050m3/ngày đêm. 11/27 dự án đang thi công. 6/27 dự án đang hoàn thiện thủ tục về đất đai để khởi công.
Doanh nghiệp đi tiên phong
Sau 10 năm (từ 2000 - 2011) với bước đi "dậm chân tại chỗ", từ 4 công trình nước sạch cung cấp nước sạch cho 6.680 hộ dân (khoảng 23.800 người), đến nay chỉ sau hơn 3 năm, Thái Bình đã có 27 dự án cung cấp nước sạch được đầu tư, 10 công trình đạt tiêu chuẩn đi vào hoạt động, phục vụ nước sạch cho trên 1,2 triệu người dân.
Thành tựu ấn tượng đạt được là nhờ những chủ trương đúng đắn của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình. Trước tình trạng các công trình cung cấp nước sạch chậm triển khai, không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo đó, tỉnh Thái Bình tạo nhiều chính sách ưu đãi cho DN đầu tư cho công trình nước sạch trên địa bàn, như: 50% lãi suất tiền vay để đầu tư tài sản cố định trong 3 năm đầu kể từ ngày vay vốn, hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước cho mỗi dự án, hỗ trợ một phần tiền xây dựng, mở rộng công suất, ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tạo nguồn nước…
Một dự án nước sạch mới được đầu tư xây dựng
Chính những bước đi đúng đắn của tỉnh Thái Bình đã thu hút những nhà đầu tư từ cả trong và ngoài tỉnh. Đến nay, đã có hơn 20 DN đăng ký đầu tư xây dựng 23 công trình nước sạch, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1.400 tỷ đồng.
Ông Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình, cho biết: "Chính việc tạo chính sách ưu đãi, thu hút vốn từ DN đã giúp cho "bài toán" nước sạch ở nông thôn phần nào được giải quyết, tạo ra lợi ích to lớn cho người dân. Điều này khẳng định vai trò chủ đạo của DN trong việc hoàn thành các mục tiêu nước sạch nông thôn của tỉnh".
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình, hiểu rõ được vai trò của DN, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong các dự án xây dựng, mở rộng và nâng cấp các công trình cung cấp nước sạch. Thủ tục hành chính sẽ được giảm nhẹ, chính sách về vốn cũng được nới rộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để các công trình nước sạch hoạt động có hiệu quả và đưa nước sạch đến các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân vùng sâu, vùng xa một cách nhanh nhất.
Lợi ích của dân là... đích đến
Mục tiêu đến hết năm 2015 của tỉnh Thái Bình là 100% người dân trên địa bàn có hệ thống nước sạch đến tận nhà. Có thể thấy, mục tiêu và cũng là đích đến của tỉnh Thái Bình là lợi ích của người dân.
Để đạt được mục đích này, tỉnh đang đặt ra những giải pháp hết sức cụ thể, như: tiếp tục thu hút các DN đầu tư bằng các chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, tái cấu trúc đầu tư các công trình chưa hiệu quả…
Tuy nhiên, ngoài những chính sách đúng đắn từ cơ quan chức năng và sự vào cuộc của DN đầu tư, sự ủng hộ và đóng góp của người dân là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo chính lợi ích của người dân.
Ông Trần Xuân Thành cho rằng: "Để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch thì chính người dân phải đồng ý và cam kết sử dụng nước sạch, thay đổi các thói quen dùng nước giếng khoan, nước mưa, nước không bảo đảm an toàn vệ sinh, nguồn nước bị ô nhiễm. Đồng thời, thực hiện đúng chủ trương và quy định của cơ quan chức năng.
Khi vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng trở nên báo động, nguồn nước ngầm đang bị ảnh hưởng và không bảo đảm được những quy chuẩn về an toàn. Những đột phá trong việc giải quyết vấn đề đưa nước sạch về nông thôn đang là tín hiệu vui cho người dân ở các vùng nông thôn.
Văn Hiến