HTX nông nghiệp Thuận Phát đang có 24 hộ thành viên, diện tích canh tác 82 ha, sản xuất theo mô hình tôm, cua kết hợp.
Quan tâm yếu tố môi trường
Nuôi tôm, cua thường ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, môi trường. Nếu không bảo đảm được những yếu tố này, tôm, cua rất dễ bị nhiễm các bệnh hoại tử đường ruột, dẫn đến chết hàng loạt. Điều này càng làm ô nhiễm môi trường đất, nước nghiêm trọng hơn.
Ý thức được điều này, khi đi vào sản xuất, HTX chú trọng từng khâu trong quá trình nuôi trồng thủy hải sản. Theo đó, các thành viên phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, ngoài ra có thể đầu tư thêm hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập.
Trong quá trình nuôi, phần lớn thức ăn dư thừa và nguồn phân từ tôm, cua sẽ tích tụ trong bùn đáy ao, tạo thành các chất độc hại. Nếu sống trong môi trường như vậy, tôm và cua luôn bị căng thẳng, kém ăn, mức tăng trưởng giảm và dễ bị mắc bệnh do vi khuẩn.
Thành viên HTX kiểm tra chất lượng tôm, cua trong quá trình nuôi. |
Tuy nhiên, vấn đề này đã được tháo gỡ khi HTX Thuận Phát sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý phân và các thức ăn thừa tích tụ để tạo sự ổn định, duy trì chất lượng nước và cả màu nước trong ao. Phương pháp này cũng giúp nguồn nước, bùn đáy ao luôn được bảo đảm, từ đó hạn chế ô nhiễm khi thải ra môi trường.
Thời gian qua, tình hình nắng hạn diễn ra khá gay gắt, độ mặn tăng cao, khiến cho việc nuôi tôm, cua của bà con trong vùng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học đã tạo ra môi trường tốt cho tôm, cua phát triển.
Năng suất tôm trung bình đạt 300kg/ha, giá bán 150 ngàn đồng/kg giúp mang về tổng thu của 82ha là gần 3,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mức lãi trung bình 25 triệu đồng/ha. Còn đối với cua cũng cho thu hoạch trung bình 300kg cua thương phẩm/ha, giá bán 170 ngàn đồng/kg, tổng thu 255 triệu, sau khi trừ chi phí lãi 31 triệu đồng/ha.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Nuôi tôm và nuôi cua vốn là nghề đã gắn bó với nhiều nông dân vùng có nước mặn, lợ. Tuy nhiên việc nuôi tôm và nuôi cua thường tách biệt, trong đó, cua được nuôi bằng con giống đánh bắt từ tự nhiên, cho nên muốn nuôi phải đợi đến mùa có con giống ngoài tự nhiên mới nuôi được.
Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, HTX Thuận Phát thực hiện nuôi, tôm cua kết hợp giúp thành viên đa dạng hình thức nuôi trồng thủy hải sản.
Theo Ban giám đốc HTX, ban đầu, các thành viên lo ngại con cua sẽ ăn con tôm khi lột xác và ngược lại thì năng suất không cao. Qua quá trình thực hiện, kết quả thu hoạch được với tỉ lệ sống của tôm sú đạt khoảng 60-70 % và của cua là 70-80%.
Tỉ lệ sống của tôm sú có thấp hơn một ít so với nuôi tôm bán thâm canh không ghép với cua, nhưng khi thu hoạch, được thu thêm sản lượng cua đáng kể và nhờ đó lợi nhuận của mô hình cũng tăng lên. Chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 15-20 triệu đồng/ha/vụ so với không nuôi ghép với cua nhưng tiền lãi tăng lên 30-40 triệu đồng/ha/vụ.
Anh Trần Văn Nguyên, thành viên có 2ha đất nuôi tôm, cua kết hợp cho biết: Nếu nuôi thâm canh tôm, gia đình chỉ thu được 550-600kg, nhưng năm nay nhờ xử lý môi trường nước tốt, nuôi đạt hiệu quả, tổng từ tôm và cua đạt hơn 1 tấn, bán được khoảng 210 triệu đồng.
Thông thường, người dân thu hoạch tôm trước, sau đó bơm cạn nước trong ao để thu hoạch cua. |
Đặc biệt khi nuôi kết hợp tôm, cua trong cũng một ao giúp tăng đối tượng tiêu thụ các loại mùn bã hữu cơ, tảo từ đó góp phần giảm ô nhiễm đáy ao.
Anh Trần Văn Nguyên cho biết, tảo vốn là thức ăn cho tôm, cua nhưng chỉ cần một lượng nhất định. Tuy nhiên hiện nay, do biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao, các ao nuôi thường đứng trước nguy cơ tảo bùng phát tảo. Tảo quá nhiều sẽ tạo môi trường nguy hại đối với tôm, cua. Trong khi nuôi kết hợp sẽ giúp giảm lượng tảo trong mùa nắng nóng.
Mô hình sản xuất của HTX Thuận Phát đang giúp giảm rủi ro cho người nông dân đồng thời đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp địa phương đang khuyến khích người dân tham gia HTX và mở rộng nuôi tôm, cua kết hợp theo hướng an toàn sinh học.
Huyền Trang