Đóng chân trên địa bàn ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, HTX Cần Giờ - Tương Lai tuy chỉ mới hoạt động được hơn một năm nay nhưng đã tạo dựng khá tốt chuỗi liên kết nuôi trồng thuỷ sản.
Hiệu quả HTX Cần Giờ - Tương Lai
Hiện nay, HTX đã xây dựng được một cơ sở chế biến các loại cá khô, tôm khô và cá tươi sống với công suất 2 tấn/ngày. Ngoài ra, HTX còn sơ chế tổ yến công suất 3 kg yến thô/ngày và có 3 điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá thương hiệu, kinh doanh sản phẩm.
Người nuôi tôm ở xã Bình Khánh ngày càng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. |
Tiền thân của HTX chính là Tổ hợp tác Cầu Bà Chín thành lập năm 2012 với diện tích sản xuất 12,1 ha chủ yếu là đối tượng con tôm sú, thẻ chân trắng và đã chuyển đổi từ mô hình sản xuất quảng canh sang mô hình bán thâm canh, nuôi theo hướng VietGAP, mang lại lợi nhuận trên 3 tỷ đồng.
Từ tổ hợp tác phát triển lên HTX đã tạo nên chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của các thành viên ở xã Bình Khánh trong việc đáp ứng nhu cầu sản phẩm chất lượng, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP mà người tiêu dùng đang hướng tới.
HTX Cần Giờ - Tương Lai đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 100 hộ dân sản xuất nông sản “sạch” (không dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm và đã xây dựng được thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Cần Giờ).
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Huỳnh Văn Thanh cho biết, HTX đang tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với các hộ dân sản xuất và các doanh nghiệp thu mua.
Đặc biệt, HTX đã xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp với 100 hộ dân trên diện tích khoảng 150 ha đất sản xuất nông sản “sạch” đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã trên địa bàn huyện, như: tôm, cá dứa, yến sào…
Trong hoạt động nuôi tôm ở xã Bình Khánh có ông Hồ Văn Dũng là một nông dân tiêu biểu khi tiên phong nuôi tôm 2 giai đoạn trên nền ao phủ bạt nhựa. Theo ông Dũng, nuôi tôm phủ bạt tốn chi phí đầu tư gấp nhiều lần nhưng hiệu quả hơn hẳn so nuôi tôm ao đất.
Trên nền phủ bạt, tôm lớn nhanh và cho thu hoạch từ 5 - 6 vụ/năm so với ao đất chỉ 2 - 3 vụ. Việc thay nước và xử lý ao nuôi cũng đơn giản hơn để kiểm soát dịch bệnh. Với diện tích ao nuôi 1.300m2 hiện tại theo mô hình này, ông Dũng thu lợi từ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm.
Giữ vững và nâng chất nông thôn mới
Theo lãnh đạo UBND xã Bình Khánh, nuôi tôm 2 giai đoạn trên nền ao phủ bạt là mô hình mới mà nông dân trong xã đang hướng đến. Bước đầu, toàn xã có khoảng 10ha chuyển đổi theo mô hình mới nhưng đã cho thấy hiệu quả tốt vì hạn chế được nhiều rủi ro.
Diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang ở xã Bình Khánh. |
Ngoài ra, trong những năm gần đây, nuôi cua biển thương phẩm ở xã Bình Khánh khá phát triển. Một trong những nông dân đi đầu trong áp dụng nuôi cua biển thương phẩm theo hình thức 2 giai đoạn bằng con giống sinh sản nhân tạo là anh Nguyễn Mạnh Thơ ở ấp Bình An với quy mô 1,2 ha.
Nắm bắt kịp thời sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, anh Thơ đã ứng dụng nuôi cua biển thương phẩm theo hình thức 2 giai đoạn bằng con giống sinh sản nhân tạo vào trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao với tỷ lệ cua sống đạt từ 40% – 65%.
Mặt khác, trong quá trình nuôi, để tiết kiệm chi phí, anh Thơ đã tận dụng nguồn cá tạp sẵn có như cá rô phi để làm thức ăn cho cua. Với diện tích ao nuôi 1,2 ha, trung bình mỗi vụ, anh Thơ thu lợi nhuận từ 150-160 triệu đồng.
Những thành công bước đầu của anh Thơ đã giúp người dân địa phương học tập, thử nghiệm nhân giống, sử dụng con giống sinh sản nhân tạo vào sản xuất nên giảm áp lực lên việc khai thác con giống tự nhiên, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho hộ dân.
Từ hoạt động hiệu quả của kinh tế hợp tác và các mô hình nuôi tôm, cua ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến đã giúp đời sống người dân xã Bình Khánh ngày càng cải thiện.
Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2019 đã đạt 58,524 triệu đồng và xã không còn hộ nghèo. Cách đây 5 năm, xã Bình Khánh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Thanh Loan