Thành lập năm 2018, HTX Nông nghiệp - Công nghệ xanh Bình Minh đang tập trung chăn nuôi heo kết hợp nuôi nuôi trùn quế và nuôi lươn.
Sản xuất khép kín
Sau một thời gian nghiên cứu, các thành viên HTX quyết định vay vốn xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Các thành viên HTX đều muốn học hỏi kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc tham quan mô hình sản xuất, đặc biệt là mô hình nuôi giun quế ở miền Bắc. Từ việc nuôi giun quế sẽ tạo ra nguồn thức ăn cho vật nuôi, xử lý phân giống như một nhà máy. Sản phẩm của trang trại sẽ đảm bảo an toàn, bán được giá, khách hàng ưa chuộng.
Trên cánh đồng địa phương trước đây chỉ sản xuất lúa nhưng năng suất thấp, HTX đã tích tụ, múc ao, tôn nền, xây dựng trang trại. Ngoài diện tích nuôi lươn, lợn, HTX còn bố trí diện tích xây dựng chuồng nuôi giun quế, vừa để tiêu thụ hết lượng phân lợn vừa để lấy thức ăn cho vật nuôi.
Nuôi giun quế giúp giải quyết lượng phân bón từ vật nuôi |
Lươn và lợn sau một thời gian đầu cho ăn bằng thức ăn công nghiệp được các thành viên cho ăn bằng thức ăn tự phối trộn gồm cám ngô, gạo, bột cá, giun quế. Thời gian nuôi lươn và lợn kéo dài thêm 1-2 tháng nhưng vật nuôi đều đạt chất lượng cao hơn so với chăn nuôi thông thường.
Theo Giám đốc HTX Lê Hải Đăng, lươn và lợn được HTX xuất bán theo địa chỉ và thường nhỉnh hơn giá thị trường. Thực tế cho thấy, chăn nuôi kết hợp giúp vật nuôi đỡ dịch bệnh hơn.
Hiện nay, HTX Bình Minh có hơn 500 hồ nuôi lươn với diện tích khoảng 3.000 m2, cung cấp ra thị trường hơn 400 tấn/năm. Lợn được nuôi theo nhu cầu đặt hàng. Ngoài lượng phân từ nuôi lợn, HTX còn thu mua phân lợn, phân bò từ các hộ chăn nuôi, trang trại trên địa bàn để phục vụ nuôi giun quế.
Theo thỏa thuận, người chăn nuôi ở địa phương sẽ thu gom phân chuồng vào các bao trữ sẵn và bán lại cho HTX. Khoảng 1 tuần, HTX cho trùn quế ăn một lần, một lần HTX sử dụng hết khoảng 50 bao (mỗi bao khoảng 25-30kg) cho khoảng 500m2 giun quế.
Lợi ích kép
Theo ban giám đốc, trong mô hình chăn nuôi của HTX, các bể nuôi giun quế đóng vai trò như một nhà máy xử lý phân lợn. Đây được coi là nguồn chất thải lớn, khó xử lý với không ít mô hình chăn nuôi. Nếu không xử lý phù hợp, nguồn chất thải trong chăn nuôi chính là mối đe dọa lớn đến môi trường, vật nuôi cũng như sức khỏe con người. Nhất là trong mùa mưa, phân lợn không được phơi khô sẽ ứ đọng, bốc mùi khó chịu.
Sau khi phân lợn, trâu bò được thu gom và ngâm bằng men vi sinh, đủ thời gian sẽ được cho giun ăn. Giun vừa nhanh lớn lại tạo ra nguồn phân có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể sử dụng làm thức ăn cho nhiều loại vật nuôi và dùng bón cho cây trồng hoặc bán cho khách hàng có nhu cầu với giá 2 triệu đồng/tấn.
Bể nuôi lươn của HTX |
Với việc tự phối trộn, ủ men thức ăn, kết hợp nuôi giun dùng để làm thức ăn cho lươn và lợn, tính ra trang trại của HTX tiết kiệm được khoảng 50% chi phí thức ăn chăn nuôi. Nhưng điều quan trọng nhất khi kết hợp nuôi giun quế trong trang trại là giải quyết được nguồn phân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Giun quế có thể làm sạch đất, phân hủy các chất thải, phân bón, đem lại sự xanh sạch, hạn chế mùi hôi thối trong chăn nuôi. Đặc biệt, nuôi giun quế không cần tái đầu tư nguồn giống do giun tự sinh sản trong môi trường và điều kiện chăm sóc tốt nên mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi”- Giám đốc Lê Hải Đăng cho biết thêm.
Dù mới thành lập được gần 2 năm nhưng với tính cách ham học hỏi, quyết tâm cao, mô hình sản xuất của HTX đã có doanh thu cao, ổn định, tạo việc làm cho các thành viên và 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm cũng được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.
Hiện, HTX Bình Minh phối hợp với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu con giống về cung cấp cho các thành viên. HTX liên hệ với đối tác thu mua nguyên liệu (thức ăn), sơ chế, chế biến, dự trữ, phân phối lại cho các thành viên và đứng ra làm đầu mối giới thiệu các đơn vị đến thu mua sản phẩm.
Như Yến