Là vùng trọng điểm về dược liệu, huyện Tu Mơ Rông đang đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mang thương hiệu riêng của dãy núi Ngọc Linh. Để làm được điều này, thời gian qua, các ngành chức năng đã phối hợp với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn triển khai xây dựng nhiều “vùng xanh” nông nghiệp, trong đó chú trọng thay đổi phương thức sản xuất, bảo vệ tài nguyên rừng kết hợp bảo tồn bền vững nguồn gen quý hiếm tạo ra sản phẩm hàng hóa cung cấp cho nhu cầu trong nước và thế giới.
Xây dựng “vùng xanh” dược liệu
Nói đến “vùng xanh” trong nông nghiệp an toàn, không thể không nhắc đến xã Ngọk Lây, nơi được coi là điển hình của mô hình dược liệu hữu cơ quý.
Các HTX phát triển vùng dược liệu an toàn, hữu cơ với hình thức liên kết với doanh nghiệp và bà con vùng Tu Mơ Rông. |
Dù mới thành lập từ năm 2018, HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông (thôn Đắk Kinh 2) hứa hẹn sẽ mang lại nhiều triển vọng cho sự phát triển giống sâm Ngọc Linh nói riêng, ngành dược liệu nói chung ở địa phương.
Từ vùng trồng xã Ngọk Lây, HTX phát triển 20 ha dược liệu với hình thức liên kết nông dân trồng và chăm sóc dược liệu. Không chỉ tập trung vào sâm Ngọc Linh, hiện nay HTX còn phát triển nhiều cây dược liệu quý khác như hồng đẳng sâm (sâm dây), đương quy, sơn tra, ngũ vị tử…
Do phát triển sản xuất dược liệu theo hướng hữu cơ nên tại vùng trồng của HTX thay vì tự do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ như trồng ngô, trồng sắn trước đây, toàn bộ quá trình chăm sóc, bà con phải tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc thảo mộc để phòng ngừa, trị sâu, nấm bệnh cho cây... Nhờ đó, môi trường sinh thái rừng ngày càng được cải thiện.
Anh A Sáng ở thôn Tu Bung, xã Ngọk Lây, trước đây chỉ trồng lúa, trồng ngô theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên hiệu quả không cao. Có vụ mất mùa do mưa đá hoặc bão lũ, có vụ ngô bị mốc hỏng, anh đành cho lợn, gà ăn.
Từ khi chuyển sang trồng 1,3 ha hồng đẳng sâm, hơn 1.000 gốc sâm Ngọc Linh hữu cơ, mỗi năm gia đình anh Sáng đã thu lời khoảng 250 triệu đồng. Số tiền này đủ chi phí sinh hoạt gia đình và mở rộng diện tích sản xuất…
Ông Nguyễn Tiến Thuật, Giám đốc HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho biết: Nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, thành viên HTX được tiếp cận với phương thức sản xuất an toàn, hữu cơ, giàu khoa học và bao tiêu 100% sản phẩm. Đến nay, HTX đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ với 10 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, mở ra hướng đi bền vững cho thành viên và các hộ dân liên kết.
Từ động lực phát triển và bảo tồn cây dược liệu tại địa phương, HTX dược liệu Ngọk Lây (thôn Đắk Kinh 2, xã Ngọk Lây) được thành lập với vai trò hỗ trợ bà con quy trình trồng, chăm sóc, thu hái…
Ông Lương Đình Phi, Giám đốc HTX cho biết: Mô hình trồng cây dược liệu đã thực sự làm thay đổi tư duy và cách nghĩ của người dân, tạo sự chuyển biến cách làm trong trồng trọt và chăm sóc cây, bao gồm cả cây rau màu và một số cây dược liệu.
Với định hướng đúng đắn, HTX áp dụng tổng thể các biện pháp tác động kỹ thuật về giống thuần chủng, kỹ thuật thâm canh cây dược liệu hữu cơ, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến và sở hữu nhãn hiệu tập thể trong quảng bá sản phẩm. Từ đó, gia tăng chuỗi giá trị dược liệu cao gấp 1,5 - 2 lần so với kiểu canh tác truyền thống trên địa bàn Tu Mơ Rông.
Kết quả trên là sự nỗ lực cố gắng của Giám đốc Lương Đình Phi và rất nhiều cộng sự tâm huyết, bởi theo ông Phi, nước ta rất giàu có về tài nguyên dược liệu đông y, đây được xem như “một thứ vàng mười” mà y học chưa khai thác hết. Chính vì vậy, phát triển dược liệu hữu cơ không chỉ xây dựng được “vùng xanh” nông nghiệp mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, an toàn cho y học, bảo vệ sức khỏe con người.
Từng bước nâng cao giá trị cây dược liệu
Với lợi thế và giá trị mang lại của vùng dược liệu, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huyện Tu Mơ Rông không chỉ chú trọng khuyến khích người dân phát triển dược liệu mà còn tích cực “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp vào liên kết với người dân, HTX để phát triển vùng nguyên liệu sạch.
Với sự huy động từ nhiều nguồn lực, toàn huyện đã trồng và phát triển hơn 1.100ha dược liệu. |
Xác định doanh nghiệp, HTX là nòng cốt trong quá trình liên kết phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, Tu Mơ Rông đã kêu gọi được 25 doanh nghiệp, 9 tổ hợp tác, 15 HTX tham gia liên kết trồng theo hướng an toàn, hữu cơ, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng, hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt từ cây sâm Ngọc Linh.
Nhờ vậy, đã trực tiếp làm tăng thu nhập của người trồng cây dược liệu, từ đó đời sống của bà con bước đầu được nâng cao, chất lượng cuộc sống được đảm bảo.
Với sự huy động từ nhiều nguồn lực, toàn huyện đến nay đã trồng và phát triển hơn 1.100 ha dược liệu; nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho hay: Để nâng cao giá trị và đưa sản phẩm dược liệu của Tu Mơ Rông vươn xa hơn nữa, cần tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế chính sách đã có, nhất là việc huy động nguồn vốn, công nghệ và sự tham gia của các doanh nghiệp có tiềm lực trong liên kết trồng, thu mua, chế biến đa dạng hóa chủng loại, sản phẩm từ dược liệu; nhân rộng nhiều “vùng xanh” nông nghiệp hơn nữa, bảo đảm đầu ra và sản xuất ra sản phẩm dược liệu có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn GACP-WHO.
“Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng được 5.062 ha cây dược liệu; trong đó có khoảng 3.000 ha sâm Ngọc Linh, còn lại là diện tích các loại dược liệu khác như đảng sâm, sơn tra, ngũ vị tử, đương quy, sa nhân tím,…”, ông Mạnh nói.
Có thể nói, với sự chủ động tìm những hướng đi đúng đắn và quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền ở địa phương, các doanh nghiệp và người dân, thương hiệu sản phẩm đặc trưng như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ vị tử, sơn tra… của Tu Mơ Rông sẽ ngày càng vươn xa, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội huyện Tu Mơ Rông phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân về mọi mặt.
Huyền Thương