HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình chuyên tổ chức ươm giống và sản xuất dược liệu như ba kích, chè dây, đảng sâm theo hợp đồng liên kết. Theo Ban giám đốc HTX, trước đây, người dân Cơ Tu ở huyện Tây Giang nghĩ các loại cây dược liệu là "cây của trời” vì chúng thường tự mọc trong rừng chứ không phải của người nên không trồng được. Nhưng khi HTX trồng thành công một số loại cây dược liệu thì người dân mới tin rằng “cây của trời” vẫn trồng được và cho giá trị kinh tế, giúp phủ xanh diện tích đất dưới tán rừng.
Sản xuất sạch
Với phương châm sản xuất sạch để gia tăng giá trị và bảo tồn những giống cây quý, HTX đã hướng dẫn bà con áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất.
Ngoài khâu chọn giống, chọn đất, ươm giống, chăm sóc thì thời vụ, thu hoạch, phương pháp thu hái, chế biến, bảo quản giữ vai trò quan trọng, quyết định chất lượng dược liệu. Tất cả những khâu này đều được HTX tiến hành đồng bộ trên cùng một diện tích.
Các thành viên HTX cũng hướng dẫn bà con canh tác vườn dược liệu hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là dùng phân bón hữu cơ và các biện pháp thủ công để phòng ngừa, trị sâu, nấm bệnh cho cây.
Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật, ba kích là một trong những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao ở Tây Giang. |
Điều thuận lợi khi trồng dược liệu dưới tán rừng là có thể tận dụng nguồn chất mùn hữu cơ từ lá cây rừng hoai mục tự nhiên. Cùng với nền nhiệt thấp ở Tây Giang nên các loại cây dược liệu đều nhanh thích ứng với môi trường và ít phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đến nay, các thành viên trong HTX nói riêng và bà con Cơ Tu nói chung đã dần thay đổi nhận thức, tuân thủ các kỹ thuật, nhật ký vườn trồng mà HTX đã tập huấn và tiếp tục tái đầu tư vào vùng nguyên liệu mới.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX cho biết, nhờ tuân thủ quy trình sản xuất của HTX và có sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tây Giang nên cây dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài các thành viên, HTX đã thu hút 25 hộ liên kết sản xuất. HTX cũng bảo đảm thu mua dược liệu tươi của bà con. Tuy nhiên, người dân cần cam kết sản xuất đúng theo quy trình của HTX đề ra. Ông Cơlâu Sơn, hộ liên kết sản xuất, cho biết gia đình ông trồng 5ha ba kích tím, trung bình 1ha cho thu khoảng 5 tấn nguyên liệu tươi. Chỉ cần bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg, người trồng có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Ngoài ra, để phục vụ cho nhu cầu tăng diện tích trong thời gian tới, ông Sơn đã chủ động phát triển vườn ươm giống từ hạt theo hướng dẫn của HTX.
Nhờ từng bước mở rộng diện tích, đến nay, HTX đã có gần 40ha dược liệu dưới tán rừng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, trồng dược liệu đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Định hướng phát triển theo chuỗi
Bằng các nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, dự án BCC, vốn góp của các thành viên, HTX Thiên Bình đã đầu tư nhà làm việc, trang thiết bị máy móc gồm máy sấy, máy rửa, máy đóng gói, máy lọc rượu… để phục vụ sơ chế, chế biến dược liệu.
Đặc biệt, khu vực nhà kho được xây dựng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để chế biến vùng nguyên liệu tại chỗ với diện tích 250m2. Tất cả quy trình từ sản xuất, chế biến, bảo quản đều chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường. Theo những người đứng đầu HTX, đây là tiền đề để sản xuất các sản phẩm từ dược liệu sạch, an toàn, hiệu quả.
Hiện nay, HTX đang có 2 sản phẩm nổi bật là “cao ba kích” và “chè dây Tây Giang” để tham gia chương trình OCOP của tỉnh. HTX cũng hướng tới việc đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, logo, mã vạch, thiết kế bao bì, chai lọ đựng cao ba kích bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Để bảo đảm đầu ra, HTX đang kết hợp kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến nhằm gia tăng lượng khách hàng và đối tác ở trong và ngoài nước.
Phát triển vườn ươm giống giúp người dân chủ động trong quá trình sản xuất. |
Việc sản xuất, chế biến dược liệu, hướng đến chế biến sâu, phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ là hướng đi bền vững của HTX Thiên Bình. Hoạt động của HTX có vai trò không nhỏ trong chủ trương phát triển cây dược liệu nhằm xóa đói, giảm nghèo ở huyện Tây Giang.
Đặc biệt, nhận thấy vai trò của rừng trong việc hạn chế rửa trôi đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cây dược liệu phát triển, HTX đã động viên người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng từ địa phương. Nhờ tham gia nhận khoán, nhận thức của người dân về gìn giữ nguồn tài nguyên rừng để có môi trường thuận lợi trồng và phát triển cây dược liệu được nâng lên rõ rệt. Điều này cũng góp phần bảo vệ nâng cao chất lượng môi trường sinh thái, giúp HTX giữ được những nguồn gen dược liệu quý hiếm.
Hướng đến phát triển bền vững, HTX Thiên Bình đang nỗ lực xây dựng trung tâm nuôi cấy mô quy mô 1 triệu cây/năm nhằm chủ động nguồn giống để mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, theo Ban giám đốc HTX, do nguồn lực có hạn nên các thành viên mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện dự án này.
Tùng Lâm