Tinh dầu quế được ví như “vàng xanh” của người dân xã Viễn Sơn, bởi những công dụng tuyệt vời trong cuộc sống cũng như trong ngành trị liệu. Tuy nhiên, sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn chủ yếu vẫn mang tính tự phát, thiếu định hướng, chiết xuất thủ công… dẫn đến sản lượng thấp, chất lượng kém, chưa tương xứng với nhu cầu tiềm năng của người tiêu dùng.
Sản phẩm dược liệu từ thiên nhiên
Là hộ có diện tích trồng quế lớn nhất xã Viễn Sơn với gần 30 ha, ông Triệu Tiến Bảo ở thôn Khe Lợ đã có thâm niên 20 năm trồng quế.
Thành viên HTX Công Tâm kiểm tra quế giống trước khi trồng. |
Ông Bảo chia sẻ về những thăng trầm gắn bó với cây quế: "Có thời điểm, cây quế đã từng là nỗi “cay lòng” của bà con xã Viễn Sơn, khi giá quế xuống thấp không đền đáp xứng đáng công chăm sóc đầu tư, khiến họ không còn mặn mà với nghề mà dần chuyển sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn".
Từng có ý định giảm diện tích, thế nhưng khi HTX Công Tâm ra đời, chuỗi giá trị của cây quế Viễn Sơn đã được nâng cao, giá cả có xu hướng tăng lên, ông Bảo không những không thu hẹp mà còn nhân thêm giống, mở rộng diện tích vườn đồi gia đình.
Mấy năm nay, quế được giá nên tiền công các công việc “ăn theo” cũng rất cao. Như nhà ông, vào mùa thu hoạch quế phải thuê gần 10 nhân công với mức lương thấp nhất là 250 nghìn đồng/người/ngày.
Nhờ những đồi quế bạt ngàn mà gia đình ông Bảo đã có thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm, từ đó thoát nghèo, có tiền xây được nhà tầng kiên cố, cho con cái học hành, mua đồ dùng sinh hoạt.
Anh Trần Văn Kiên, Giám đốc HTX Công Tâm cho biết, với mong muốn đem lại sản phẩm chất lượng, ổn định đầu ra cho bà con nông dân, năm 2008, HTX được thành lập, đã xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu quế sạch, đáp ứng tiêu chuẩn và hợp tác với các doanh nghiệp, chế biến sản phẩm từ quế xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài với giá trị kinh tế cao.
Giờ đây, thay cho việc thu hoạch và bán trực tiếp vỏ quế thô cho thương lái như trước kia, bà con đã được HTX hướng dẫn quy trình sản xuất bằng phương pháp sơ chế quế cắt miếng, quế ống sáo, quế ống điếu… rồi thu mua toàn bộ, nâng giá trị quế Viễn Sơn lên 40%, tiết kiệm được chi phí nhân công.
“Từ khi trồng đến nay, cây quế phát triển ổn định, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chưa phát hiện các loại sâu bệnh hại cây. Đặc biệt, với kỹ thuật trồng tuân thủ an toàn, cây quế có thể thu được hầu như tất cả từ cành, lá, vỏ và gỗ...”, anh Kiên cho hay.
Ngoài việc chọn giống quế chuẩn có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, cây sạch bệnh thì trong quá trình trồng, chăm sóc còn được các thành viên HTX áp dụng phương pháp canh tác đặc biệt.
Được biết, sản xuất quế theo tiêu chuẩn an toàn không khó mà hoàn toàn giống với cách chăm sóc truyền thống của người dân, chỉ khác ở chỗ phải làm cỏ bằng tay chứ không sử dụng thuốc hóa học, thuốc trừ sâu và việc thu hoạch phải bảo đảm yêu cầu sạch từ khâu khai thác đến sơ chế…
Theo ban lãnh đạo HTX, giá vỏ quế tươi đang được thu mua ở mức từ 22.000 - 30.000 đồng/kg, quế khô có giá 60.000 đồng/kg. Riêng quế hữu cơ tươi có giá cao hơn, từ 24.000 - 32.000 đồng/kg.
Triển vọng mới từ tinh dầu quế
Ban đầu, HTX chỉ sản xuất và đứng ra làm đầu mối thu mua, nhưng do xu hướng phát triển chung nên đã tập trung vào đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cho ra đời nhiều loại sản phẩm từ tinh dầu quế giá trị cao, mở rộng tiềm năng xuất khẩu.
HTX sẽ liên kết với các công ty dược để mở rộng sản xuất tinh dầu quế. |
Đến nay, HTX đã có khu nhà xưởng hiện đại trên 1.000m2, 1 dây chuyền chưng cất tinh dầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng, hệ thống nhà kho chứa nguyên liệu 3.000 m2 trị giá trên 5 tỷ đồng.
Tham gia chuỗi, HTX Công Tâm còn giữ vai trò là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho 3 xưởng chế biến sản phẩm tinh dầu quế trong vùng như: HTX 6/12 xã Đào Thịnh và Công ty An Thịnh - Cường Phát, bình quân mỗi tháng đạt 13 - 15 tấn tinh dầu.
Để chưng cất được khối lượng này, cần khoảng 2.200 - 2.400 tấn cành, lá quế nguyên liệu. Vì thế, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ quế vỏ, cành, lá cho thành viên và gần 1.000 hộ dân ở hai xã Viễn Sơn và Xuân Ái (huyện Văn Yên).
Chia sẻ về quy trình sản xuất tinh dầu, anh Kiên cho hay, để tạo ra một sản phẩm tinh dầu chất lượng cần trải qua một quy trình khép kín và bảo đảm vệ sinh. Nguyên liệu sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, băm nhỏ, rồi đưa vào hệ thống nồi hơi, điều khiển hoàn toàn bằng máy, kiểm soát vận hành theo đúng quy trình.
Toàn bộ nguyên liệu sau chiết xuất được HTX ký hợp đồng cung cấp cho Công ty Kim Trường Phúc (Hà Nội) làm chất đốt sinh nhiệt với khối lượng bình quân khoảng 600 tấn/tháng, hạn chế việc đổ thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí.
Với 2,7-3,2% tỷ trọng hàm lượng tinh dầu, chất lượng quế của HTX Công Tâm được đánh giá cao hơn so với các loại quế trồng ở những vùng khác.
Giá tinh dầu quế dao động từ 550 - 600 triệu đồng/tấn và từ đầu năm đến nay, HTX sản xuất được hơn 6 tấn, đưa sản phẩm tinh dầu có mặt trên nhiều thị trường trong nước và quốc tế như Ấn Độ, Trung Quốc...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi hàng hóa nông sản bị đứt gãy thì kết quả này có thể nói là thành công vượt mong đợi đối với những người trồng quế ở xã Viễn Sơn.
“Để đẩy mạnh hoạt động cũng như nâng cao chất lượng, sản lượng, trong thời gian tới, HTX sẽ liên kết với bà con nông dân trong huyện để trồng và phát triển thêm vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo đầu vào. Mặt khác, HTX sẽ liên kết với các công ty dược để sản xuất tinh dầu quế nhằm hỗ trợ sức khỏe cho người tiêu dùng…”, anh Kiên nhấn mạnh.
Mai Ngọc