Xoài vốn không phải là cây trồng truyền thống của người dân xã Thạnh Phong. Do nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản vốn là nghề chính thời gian qua cho giá trị kinh tế thấp, đời sống bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn nên chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân chuyển đổi sang cây ăn quả, trong đó xoài là cây được lựa chọn.
Quyết tâm trồng xoài sạch
Trong quá trình trồng thử nghiệm, xoài tứ quý phát triển tốt trên vùng đất cát ven biển Thạnh Phú, nhiều nông dân trồng sắn, dưa hấu, hoa màu... thu nhập thấp đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng xoài tứ quý.
Trước thế mạnh của loại cây trồng này, năm 2016, HTX dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong được thành lập với mục đích phát triển trồng xoài theo hướng tập trung. HTX thu hút 149 thành viên, diện tích trồng xoài tứ quý 30ha, trong đó 16ha được thành viên HTX trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Việc làm này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nhờ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, các thành viên đầu tư hệ thống nước tưới nhỏ giọt, kỹ thuật canh tác để cho sản phẩm chất lượng. Theo ban giám đốc, ngay hệ thống tưới tiêu phải cách biệt với khu vực sản xuất vô cơ. Nguồn nước tưới phải sạch, an toàn và tránh ô nhiễm. Thành viên đều phải kiểm tra kỹ hệ thống nguồn nước, thiết kế hệ thống lấy nước phục vụ tưới cho vườn xoài an toàn và đắp bờ bao ngăn chặn ô nhiễm.
Bọc xoài bằng túi chuyên dụng giúp không phải sử dụng thuốc hóa học. |
Xung quanh diện tích sản xuất của thành viên trồng hàng rào cây để chắn gió, kiểm soát xói mòn. Để không phải sử dụng thuốc hóa học, các thành viên áp dụng đồng bộ các phương pháp như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hoặc quản lý cỏ dại tổng hợp (IWM), bao quả...
Theo ông Hoàng Văn Quý, thành viên HTX, công việc dọn cỏ, theo dõi sâu bệnh cũng là cả một quá trình vất vả. “Mỗi ngày, chúng tôi đều phải ở vườn để chăm sóc. Bởi mọi việc đều làm thủ công, không sử dụng thuốc hóa học nên mất nhiều thời gian”, ông Quý tâm sự.
Không chỉ thế, xoài trồng theo phương pháp GlobalGAP rất dài ngày. Theo đó, nếu xoài trồng có sử dụng thuốc hóa học sẽ cho thu hoạch sớm hơn, chỉ khoảng 3-4 tháng tính từ ngày ra quả nhỏ. Nhưng với xoài GlobalGAP, các thành viên phải chăm sóc từ 5-6 tháng mới có thể thu hoạch được.
Nhờ áp dụng các kỹ thuật khoa học, sản phẩm xoài của HTX đã bảo đảm yêu cầu ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Giá xoài cao hơn thị trường khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Hiện tại, HTX Thạnh Phong được dự án AMD Bến Tre hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, máy sấy, kho lạnh... và sản xuất thử nghiệm sản phẩm xoài sấy. Ngoài ra, HTX tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm sản xuất từ xoài như rượu xoài, mứt xoài, bánh tráng xoài...
Đặc biệt, HTX áp dụng các giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiến tới xây dựng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho nhà máy, từ đó góp phần nâng cao giá trị của xoài tứ quý trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Thích ứng biến đổi khí hậu
Ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, việc lạm dụng phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu đã khiến các dòng nước ngầm bị ô nhiễm. Tuy nhiên, tại khu vực sản xuất xoài GlobalGAP của HTX Thạnh Phong, các hóa chất nông nghiệp này bị cấm hoàn toàn. Thay vào đó là các loại phân hữu cơ từ cây xanh, chất thải động vật và ứng dụng đa dạng sinh học (kết hợp trồng cây ngắn ngày và dài ngày…) để tăng cường cấu trúc đất, giữ nước và đảm bảo lượng nước ngầm.
Ngay cả các hoạt động sau thu hoạch (vận chuyển, sơ chế, xếp thùng…) của các thành viên đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ. Mục tiêu chính là tránh ô nhiễm với các hóa chất bị cấm và đảm bảo tách sản phẩm hữu cơ tránh lẫn tạp bất kỳ sản phẩm thông thường nào.
Mô hình trồng xoài đang giúp người dân nâng cao thu nhập. |
Tác dụng của sản xuất theo quy trình hữu cơ là các yếu tố đầu vào và đầu ra được kiểm soát kỹ lưỡng, giúp giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm nước ngầm. Chính vì vậy, mô hình sản xuất của HTX được các cấp ngành khuyến khích phát triển và coi đây như một biện pháp phục hồi đất, nước, bảo vệ nguồn nước sạch.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, mô hình sản xuất của HTX Thạnh Phong đã và đang góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và nóng lên trên toàn cầu thông qua việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác hại với môi trường một cách đồng loạt và khoa học. Từ đó có thể hạn chế tình trạng xâm nhập mặn mỗi năm.
Trước sản xuất hiệu quả của mô hình trồng xoài GlobalGAP, ngành nông nghiệp địa phương đang tổ chức nhiều cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm hướng nông dân sản xuất theo quy trình sạch để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp họ làm giàu từ cây đặc sản tại địa phương.
Như Yến