Theo Luật BVMT và Nghị định số 19/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, trách nhiệm của cơ sở sản xuất tại làng nghề phải thực hiện các biện pháp BVMT nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết BVMT, đề án BVMT chi tiết, đề án BVMT đơn giản hoặc báo cáo về các biện pháp BVMT.
Trường hợp các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết BVMT, đề án BVMT chi tiết, đề án BVMT đơn giản phải lập báo cáo về các biện pháp BVMT, mô tả hoạt động của cơ sở, các loại chất thải phát sinh, các biện pháp giảm thiểu, kiểm soát bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, thu gom và xử lý nước thải, khí thải tại chỗ; phân loại, lưu giữ, tự xử lý hoặc chuyển giao đối với chất thải rắn, gửi cơ quan quản lý môi trường tại địa phương để thực hiện kiểm tra, theo dõi. Đóng góp đầy đủ các loại phí BVMT và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật cho hoạt động BVMT của làng nghề.
Điều 15, quy định như sau: Phương án BVMT làng nghề bao gồm nội dung, cách thức, trình tự tiến hành hoạt động BVMT của làng nghề; hiện trạng hoạt động sản xuất, sinh hoạt của làng nghề; các loại và lượng chất thải phát sinh; việc tổ chức các hoạt động BVMT nói chung, các biện pháp giảm thiểu, thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ làng nghề; bố trí nguồn lực thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hạ tầng kỹ thuật BVMT của các làng nghề có không ít hơn 20% số cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển (gọi tắt là làng nghề được khuyến khích phát triển) được đầu tư từ ngân sách nhà nước, UBND cấp tỉnh bố trí ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng kỹ thuật BVMT cho làng nghề được khuyến khích phát triển, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật BVMT các làng nghề trên địa bàn.
Cơ sở sản xuất tại làng nghề phải thực hiện các biện pháp BVMT
Bộ NN&PTNT ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cơ sở thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, làng nghề được khuyến khích phát triển; phối hợp với Bộ TN&MT quy định tiêu chí về BVMT trong việc công nhận làng nghề.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề không thuộc đối tượng quy định khoản 3, Điều 15 của nghị định này phải tuân thủ quy định tại khoản 3, Điều 70 Luật BVMT và các quy định về BVMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trách nhiệm của UBND cấp xã: lập, trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án BVMT làng nghề trên địa bàn để tổ chức thực hiện. Đôn đốc việc xây dựng nội dung BVMT trong hương ước, quy ước của làng nghề. Bố trí cán bộ có kiến thức về pháp luật, quản lý môi trường theo dõi việc thực hiện công tác BVMT làng nghề; hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về BVMT làng nghề. Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho công tác quản lý môi trường, đầu tư, sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT tại các làng nghề được khuyến khích phát triển trên địa bàn. Quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định khi được bàn giao, tiếp nhận các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề... Công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác BVMT làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương, thông qua các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và trong các cuộc họp UBND, HĐND cấp xã. Báo cáo UBND cấp huyện về công tác BVMT, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn định kỳ một năm một lần trước ngày 30/10 hàng năm, hoặc đột xuất theo yêu cầu…
Trần Minh