Đi vào hoạt động từ tháng 8/2015, HTX Tân Hà là nơi có nghề chăn nuôi phát triển. Việc thành lập HTX là tâm huyết của các thành viên để có đủ lực phát triển nghề chăn nuôi cừu tiếp cận với mô hình chăn nuôi bán công nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Mô hình chăn nuôi bán công nghiệp
Với định hướng phát triển mô hình chăn nuôi bán công nghiệp, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín; xây dựng vùng nguyên liệu trồng, chế biến thức ăn, nước sạch uống tại chỗ; đồng thời chủ động xây dựng chuỗi chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến phục vụ thị trường rộng khắp.
Ông Phạm Minh Quang - Giám đốc HTX, cho biết muốn có hiệu quả trong chăn nuôi phải chọn con giống tốt; chuồng trại sạch sẽ; thức ăn, nước uống đầy đủ; phòng bệnh, tiêu độc khử trùng thường xuyên…
HTX đã xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô lớn, các khu vực chăn nuôi cừu vỗ béo và cừu sinh sản riêng biệt; chuồng nuôi được xây dựng kiên cố, nơi nuôi nhốt và máng cho ăn tách biệt nhằm bảo đảm vệ sinh.
Nhờ đó, vào những đợt hạn hán nghiêm trọng, HTX vẫn thu được kết quả tốt. Trong năm qua, HTX đã xuất chuồng 4 lứa cừu đực, mỗi lứa trên 100 con.
Không chỉ phát triển chăn nuôi trong nội bộ, HTX còn đầu tư cho một số hộ nhận nuôi cừu rẽ với quy trình khép kín từ cung cấp con giống, chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm. Mức thu lãi của HTX chỉ 2%, nhưng việc làm này đã tạo điều kiện cho những hộ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng quy mô trang trại với số lượng cừu vỗ béo 500 con, tăng đàn cừu sinh sản để chủ động nguồn con giống chất lượng và nhất là đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cừu Phan Rang”. Thực hiện kế hoạch này, HTX đang xúc tiến ký hợp đồng với một số hộ dân của xã Nhị Hà để trồng cỏ cung cấp ổn định cho HTX.
Khu vực Duyên hải miền Trung được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi dê, cừu của cả nước. Đứng đầu là tỉnh Ninh Thuận với tổng đàn cừu hơn 160.000 con, đứng vị trí thứ nhất, chiếm 96% tổng đàn của cả nước; tổng đàn dê hơn 138.000 con, đứng thứ 6, chiếm 54% tổng đàn của cả nước.
Khu vực chăn nuôi cừu của HTX Tân Hà |
Phát huy lợi thế
Hiện nay, toàn tỉnh có 78 HTX, trong đó phần lớn là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc có sừng, ngành sản xuất có lợi thế của tỉnh, hiện đã có hai HTX mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê, cừu, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, HTX Tân Hà tiên phong trong lĩnh vực này đã đạt được những kết quả bước đầu.
Ông Nguyễn Văn Bắc - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng những năm qua, nghề chăn nuôi dê, cừu có xu hướng phát triển là do sự quan tâm, hỗ trợ về chủ trương, chính sách của Nhà nước được kịp thời.
Mặt khác, nhiều địa phương cũng đã chú trọng phát triển chăn nuôi đúng định hướng. Người chăn nuôi cũng dần thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để đạt năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong tình hình hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác (KTHT) còn nhiều khó khăn, nỗ lực và hiệu quả hoạt động của HTX Tân Hà là một điểm sáng, cho thấy triển vọng của KTHT trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, sự tham gia của khu vực KTHT vào ngành nghề chăn nuôi gia súc có sừng sẽ tạo cú hích để phát triển sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm chất lượng và sự ổn định.
Để khuyến khích và hỗ trợ mô hình này, HTX Tân Hà nói riêng và các HTX hoạt động trên cùng lĩnh vực rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các ngành liên quan, để phát triển sản xuất và tham gia chuỗi giá trị ngành hàng cừu, qua đó góp phần khẳng định và quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương.
Hà Xuyên