Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm của THT đã được giải quyết khi THT liên kết chặt chẽ với HTX Nông sản Tam Điệp, để xuất bán vào cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Hình thành chuỗi liên kết
Xã Đông Sơn có địa hình bán sơn địa, rất thích hợp nuôi các vật nuôi đặc sản. Trước đây, người dân sản xuất tự phát, không chú trọng đến khoa học kỹ thuật nên hiệu quả không cao. Tháng 7/2014, THT đặc sản xã Đông Sơn ra đời với 13 thành viên tham gia ban đầu.
Trước khi bắt tay vào các công việc cụ thể, THT đã tổ chức cho các thành viên đi tham quan học hỏi mô hình làm kinh tế giỏi ở rất nhiều nơi, từ Nho Quan, Kim Sơn… đến các mô hình ở Hải Hậu (Nam Định).
Thậm chí các thành viên còn được ra tận Viện Chăn nuôi và một số hộ ở Đông Anh (Hà Nội) để tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn.
Sau đó, THT tập trung nghiên cứu, đưa các con đặc sản vào nuôi trồng. Hiện HTX phát triển đa dạng các loại vật nuôi với số lượng 550 con dê; 170 con hươu, 350 con nhím, 500 con lợn cắp nách, 1.000 con gà đồi…
THT đã thông qua quy chế hoạt động: Tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm phụ trách, như: Nhóm chăn nuôi hươu, lợn rừng, nhím…
Anh Trịnh Văn Tiến (thôn 12, xã Đông Sơn) cho biết tham gia THT, mô hình chăn nuôi của gia đình anh đã dần hình thành được chuỗi liên kết khép kín từ cung cấp con giống, thức ăn đến việc bao tiêu sản phẩm.
Đặc biệt, THT còn mời chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp tới chia sẻ, trao đổi kỹ thuật nuôi, trồng các loại con, cây đặc sản. Do vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Từ 13 thành viên ban đầu, đến nay, THT đã có 30 hộ tham gia. Không chỉ tiêu thụ nông sản cho nông dân xã Đông Sơn, THT còn mở rộng quy mô thu mua ra một số địa phương khác trên địa bàn Tp.Tam Điệp.
Bình quân mỗi năm, THT xuất bán gần 40 tấn sản phẩm vật nuôi thương phẩm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Đàn hươu sao trong trang trại của THT |
Chú trọng môi trường
Ông Trịnh Văn Tiến - Tổ trưởng THT, cho biết: Do có sự liên kết, thống nhất từ khâu đầu vào sản xuất và đầu ra, giá bán, phương tiện vận chuyển tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên đã tiết kiệm được nhiều chi phí, không bị ép giá. Từ đó, người chăn nuôi chủ động lựa chọn thời điểm xuất chuồng, hàng hóa bán ra số lượng lớn.
Các sản phẩm trong THT cũng được chứng nhận về chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ, nên được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Để bảo đảm môi trường trong chăn nuôi, THT luôn nhắc nhở và kiểm tra các hộ sản xuất tuân thủ theo quy trình khoa học.
Các hộ thành viên thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phân loại chất thải của vật nuôi để xử lý riêng. Trong đó, chất thải từ chăn nuôi được thu gom xử lý để làm phân bón cho cây trồng, còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về hầm biogas để xử lý.
Riêng chất thải từ việc nuôi gà, nhờ ứng dụng đệm lót sinh học nên chuồng trại không phát sinh mùi gây ô nhiễm. Đặc biệt, chính việc chú trọng BVMT trong chăn nuôi mà đàn vật nuôi của THT rất hiếm khi bị dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể thấy, khi chất thải trong chăn nuôi được xử lý tốt sẽ góp phần BVMT sống cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất sạch hơn, an toàn hơn. Nhờ đó đầu ra cũng ổn định hơn.
Thành công của THT đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn, hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa, tham gia xây dựng môi trường tại địa phương ngày càng sạch hơn.
Như Yến